Giá cà phê ngày 28/06/2023: tăng nhẹ trên cả 2 sàn

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London có xu hướng hỗn hợp. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 5 USD, lên 2.715 USD/tấn, trong khi các kỳ hạn giao sau đều sụt giảm.

Tiếp tục đọc

Thu 24 tỷ đồng/năm từ rau má

Đó là khoản thu nhập “chắc như bắp” của xã viên HTXNN 1 Nhơn Phú, TP Quy Nhơn (Bình Định). Nhờ trồng rau má, gần 4.000 nhân khẩu đã có thu nhập ổn định.

Chúng tôi về vùng rau má Nhơn Phú vào đầu tháng 3, là thời điểm nông dân ra sức chăm sóc đợi ngày thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Bùi- Chủ nhiệm HTXNN 1 Nhơn Phú nhớ lại: “Nghề trồng rau má ở địa phương đã lâu, tuy nhiên chỉ có dăm ba héc ta trên đất màu để làm rau ăn sống chứ chưa trở thành hàng thương phẩm. Khi thấy cây rau má cho thu nhập khá cao, nông dân dần nhân rộng diện tích. Từ năm 2000 đến nay, cây rau má phát triển vùn vụt với gần 500 hộ tham gia trên diện tích canh tác ổn định hơn 60 ha”.

Chạy xe máy dạo quanh các khu vực 3,4,5 thuộc địa bàn Nhơn Phú dưới cái nắng gay gắt, nhưng màu xanh của cánh đồng rau má luôn tạo cho chúng tôi cảm giác mát mẻ. Tại tổ 4, KV3, chúng tôi ghé lại bắt chuyện với mấy phụ nữ đang ngồi dưới đám ruộng. “Gia đình tui có 5 sào rau má nên khi làm cỏ phải thuê chị em trong làng giúp cho. Nếu không làm cỏ kịp thì rau kém phát triển, đến thời hạn thu hoạch rau xấu bán được ít tiền”, chị Nguyễn Thị Bảy cho biết.

Theo người dân nơi đây thì trồng rau má không khó, quy trình chăm sóc để làm ra rau sạch đã có cán bộ BVTV thường xuyên mở lớp tập huấn hướng dẫn bà con nông dân. Khó nhất là khâu giống, bởi chẳng có đơn vị nào bán giống rau má. Do vậy nông dân phải tự trồng rồi nhân giống dần dần. Những hộ trồng mới phải nhờ vào sự chia sẻ về giống rau của những hộ trồng trước. Tính đoàn kết, hỗ trợ nhau trong SX của nông dân ở đây là yếu tố chính để hình thành nên vùng trồng rau má chuyên canh mang tên Nhơn Phú.

Theo những người trồng rau má, từ 20- 25 ngày là rau má cho thu hoạch 1 lứa. Trừ những tháng mưa dầm, mỗi năm rau má cho thu hoạch ít nhất 8 lứa. Mỗi lứa, 1 ha rau má cho thu hoạch ít nhất 10 tấn rau. “Rau má đắt nhất vào mùa nắng nóng, bởi nhu cầu dùng rau làm sinh tố rất cao. Hiện nay tại Bình Định rau má được bán với giá 8.000 đ/kg. Mà không có để bán, bởi mùa nắng đắt như tôm tươi”, chị Lê Thị Nghĩa, chủ 3 sào rau má cho biết.

Ông Nguyễn Văn Bùi tính toán: “Trên diện tích 60 ha, với năng suất bình quân 500 kg/sào/lứa, mỗi năm bà con trong HTX thu được khoảng 4.800 tấn rau má. Với cái giá bình quân là 5.000 đ/kg, mỗi năm người dân nơi đây thu được khoảng 24 tỷ đồng”.

[trichdan]“Nhờ cây rau má, gần 500 hộ nông dân trong HTX xây dựng được nhà khang trang, sắm xe máy xịn và cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Những hộ có nhiều diện tích trồng rau má còn phất lên làm giàu”, ông Nguyễn Văn Bùi.[/trichdan]Do hiệu quả kinh tế cao nên nông dân ở HTXNN 1 Nhơn Phú đã tự chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau má gần hết diện tích canh tác. Anh Bùi Văn Thanh ở KV 3 đã chuyển 3 sào đất lúa sang trồng rau má đã 10 năm cho biết: “Mỗi ha đất trồng lúa cho thu hoạch 2 vụ/năm được khoảng 10 tấn. Với giá lúa hiện nay là 7.000 đ/kg, khoản thu nhập toàn năm khoảng 70 triệu đồng. Trừ chi phí hết 40 triệu, nông dân chỉ còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Trong khi đó, 1 ha rau má cho thu nhập ít nhất 150 triệu đồng/năm. Trừ chi phí 1 nửa, người trồng chắc ăn lãi ròng 75 triệu. Do vậy, hầu hết bà con có đất ruộng ở đây đã chuyển từ làm lúa sang trồng rau má gần hết diện tích”.

Đầu ra của rau má là vô cùng, nông dân không cần mang ra chợ bán, đến kỳ thu hoạch, thương lái đến tận ruộng để thu mua. Ngoài cung ứng cho người tiêu dùng ở TP Quy Nhơn, rau má của Nhơn Phú còn có mặt khắp nơi trong tỉnh, ra đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và lên tận các tỉnh Tây Nguyên.

Không chỉ mang lại cuộc sống ổn định cho gần 500 hộ trồng rau má, nghề này còn góp phần giải quyết thời gian nông nhàn cho lao động nữ tại địa phương với những công việc nhổ cỏ, thu hoạch. Mỗi năm, nghề trồng rau má ở Nhơn Phú thường xuyên thu hút khoảng 1.000 lao động tham gia với mức thu nhập 60.000 đ-70.000 đ/ngày công.

Cây Hông(Paulownia) – loài cây có năng suất sinh khối cao

Nếu những ai mới nhìn cây hông khi cây còn non tuổi và biết được tốc độ sinh trưởng của nó thường cho rằng gỗ cây hông giống như cây đa, không có giá trị kinh tế. Nhưng kỳ thực cây Hông có nhiều ưu điểm mà các cây khác không dễ gì sánh được.

Cây hông (Paulownia) là cây gỗ lớn, có tốc độ sinh trưởng nhanh. Từ lâu, nhiều quốc gia trên thế giới có điều kiện tự nhiên thích hợp với cây hông đã chọn cây hông làm cây lâm nghiệp và chú ý phát triển. Ở Việt Nam cây hông phân bổ trong rừng tự nhiên ở một số tỉnh phía Bắc giáp với biên giới Trung Quốc. Đồng bào các tỉnh này đã từng dùng gỗ cây này làm chõ hông xôi nên có tên là cây Hông. Tuy nhiên, trước đây cây hông ít được ngành lâm nghiệp và bà con chú ý đến. Những năm gần đây khi có những công trình nghiên cứu cây hông của các nhà khoa học thì cây hông mới bắt đầu được quan tâm và trồng thử nghiệm ở một số địa phương.


Cây Hông 3 tháng tuổi

Theo TS Thái Xuân Du (Viện Sinh thái nhiệt đới), người có nhiều năm nghiên cứu cây hông cho rằng, cây hông là “vua” của loài cây lâm nghiệp. Theo ông Du thì, cây hông có nhiều ưu điểm: dễ trồng, thích nghi ở nhiều loại đất, lớn rất nhanh (sau 6-7 năm trồng, cây cao hơn 10m, đường kính 35-40cm), gỗ nhẹ, không bị mối mọt, ít bị biến dạng khi thời tiết thay đổi…

Còn theo tài liệu của Trung Quốc, cây Hông được mệnh danh là “nhà vô địch về mọc nhanh”, kết quả được công bố: Cây 5 tuổi có đường kính bình quân 19,9 cm, cao 7-8m, thể tích cây đứng 0,117 m3/cây; cây 8 tuổi D1,3=29,5 cm, H=10,35m, 11 tuổi D1,3=38,38 cm, H=12,46 m, Đường kính có thể đạt 90-100cm trong vòng 30 năm và 200 cm trong vòng 80 năm. Cây Hông sống lâu năm, cho sinh khối lớn: Cây 31 năm tuổi D1,3=100,5 cm, H=21,7 m, 75 tuổi D1,3=134,4 cm, H=44 m, cây 80 năm tuổi ở Quý Châu- Trung Quốc, đường kính 202 cm, chiều cao 49,5m, thể tích 34m3/cây.

Gỗ Hông: Có tỷ trọng nhẹ (0,26-0,27g/cm3), độ cứng tương đương gỗ nhóm 5. Không bị mối mọt và ít bị mục (tại Hồ Bắc- Trung Quốc khai quật cỗ quan tài sau 200 năm gỗ vẫn còn tốt. Trung Quốc có những ngôi nhà làm bằng gỗ này đã tồn tại hàng trăm năm). Gỗ có tỷ lệ co rút nhỏ dưới 0,45%, ít bị biến dạng và không bị cong vênh nứt nẻ, cách điện và cách nhiệt tốt. Hàm lượng xenlulô trong gỗ trung bình 48-51%.

Chính vì những ưu điểm đó, gỗ Hông được dùng trong nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống như làm đồ gia dụng, ván dán, ván sợi ép, trần nhà, trang trí nội thất, thùng đựng hàng, bao bì và các vật dụng khác. Gỗ Hông còn được dùng làm nhạc cụ, đóng tàu lượn, lót vỏ máy bay, toa xe, du thuyền, ván lướt và sản xuất bột giấy cao cấp (giấy in tiền).

Ngoài gỗ, lá cây có hàm lượng đạm cao và các nguyên tố vi lượng khác, được dùng làm thức ăn cho gia súc, cành rơi lá rụng có tác dụng cải tạo và nâng cao độ phì đất. Cây Hông mọc nhanh nên chóng phát huy tác dụng phòng hộ, lá to có nhiều lông hữu ích trong việc làm sạch bụi và khói giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hoa để nuôi ong và làm thuốc chữa bệnh, vỏ cây chế thuốc nhuộm. Than đốt từ gỗ Hông dùng làm than hoạt tính, sử dụng bột pháo hoa, bột chì màu. Gỗ Hông còn có khả năng chống cháy, nhiệt độ cháy thông thường của gỗ từ 2230C đến 2570C, điểm cháy của gỗ Hông ở nhiệt độ 4250C. Đặc điểm này đáng chú ý, có thể trồng cây Hông để làm đường băng xanh cản lửa phòng chống cháy rừng. Giá thương phẩm của gỗ tùy theo quy cách, phẩm chất và tuổi của cây gỗ. Theo báo Nông nghiệp số 201 ra ngày 26-10-2002, gỗ khai thác ở tuổi 6 có giá khoảng 120-150 USD/m3 gỗ tròn, theo thông tin Kinh doanh và tiếp thị ra ngày 14-10-2002, giá gỗ Hông trên thị trường rất cao khoảng 700-1.000 USD/m3 gỗ.

Một số mô hình đã trồng công cây Hông được sự quan tâm chú ý như mô hình trồng xen canh cây hông với cà phê huyện Đăk Hà tỉnh Kon Tum với diện tích khoảng 32 ha. Qua theo dõi, cây hông sinh trưởng tốt. Tại vườn cây hông của ông Nguyễn Văn Hạp (xã Đăk Mar huyện Đăk Hà) cây hông được trồng thuần trên đất bằng, diện tích 2ha với kích thước 5mx5m/cây- mật độ 400 cây/ha. Nhiều người đến đây tham quan ai nấy đều trầm trồ khen ngợi. Bình quân cây hông trong vườn này cao 7m, đường kính thân 0,27m, tỷ lệ cây sống 97%, khối lượng gỗ khoảng 133m3/ha. Vườn cây hông của ông Phạm Thanh Sơn (thôn 12, xã Đăk Hring) trồng năm 2002. Cây hông được ông Sơn trồng xen trong vườn cà phê trên đất dốc với kích thước 6mx3m/cây-mật độ 550 cây/ha. Đến nay bình quân cây cao 6m, đường kính 0,19m, tỷ lệ cây sống 95%, khối lượng khoảng 71m3 gỗ/ha.

Hay như mô hình trồng trồng thử nghiệm tại một số điểm thuộc huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ. Kết quả cho thấy cây Hông có tỷ lệ sống trên 90%, khả năng sinh trưởng rất nhanh. Rừng trồng 18 tháng tuổi trên đất hơi nghèo đến trung bình ở xã Địch Quả đạt đường kính trung bình trên 5cm, cao 4-5m. Trong đó, một số cây có đường kính trên 10cm, cao 7m. Cây trồng phân tán ở Ban quản lý vườn quốc gia Xuân Sơn (đất tốt) đường kính đạt 16-20cm, cao 7-8m. Gia đình ông Thắng trồng ở hè phố thị trấn Thanh Sơn, cây 18 tháng tuổi đạt đường kính 22cm. Bạch đàn mô, keo lai là cây trồng chủ lực và sinh trưởng nhanh nhất hiện nay nhưng chưa đạt tới 16-22cm/18 tháng tuổi như cây Hông nêu trên.

Có thể nói cây hông là cây lâm nghiệp có triển vọng (vừa có giá trị kinh tế cao vừa có chức năng phòng hộ nhanh). Có thể trồng phân tán, trồng thành rừng tập trung hoặc trồng xen theo phương thức nông lâm kết hợp. Tuy nhiên, phải chọn điều kiện lập địa phù hợp và tùy mục đích sử dụng rừng mà chọn phương thức trồng mới đem lại kết quả. Vấn đề đang quan tâm là việc tìm đầu ra cho cây hông phải được quan tâm đúng mức để người dân có thể yên tâm đưa vào sản xuất và làm giàu từ cây hông.

Thị trường hạt tiêu Việt Nam vẫn “bình chân như vại”

Những ngày qua, biến động giá trên thị trường hạt tiêu Ấn Độ không chỉ làm cho cả thế giới “sững sờ” mà còn làm cho người sản xuất lẫn giới kinh doanh hạt tiêu Việt Nam gần như bị mất phương hướng.

Từ ngạc nhiên…

Nhu cầu hạt tiêu thế giới gia tăng bình quân 5% mỗi năm, nhưng sản lượng tại các nước trồng tiêu sụt giảm nên đã khẳng định trong năm 2011 thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 35.000-40.000 tấn hạt tiêu các loại.

Hội nghị quốc tế về hồ tiêu tại Bali Indonesia do IPC tổ chức cuối năm vừa qua tiếp tục khẳng định, năm 2012 thế giới tiếp tục thiếu hụt hạt tiêu mặc dù sản lượng dự kiến sẽ thu được 320.000 tấn so với 298.000 tấn của năm trước. Trong đó các nước sản xuất tiêu hàng đầu là Ấn Độ giảm 5.000 tấn xuống còn 43.000 tấn, Việt Nam sẽ tăng 10% lên 110.000 tấn và Indonesia sẽ tăng 24% lên 35.000 tấn.

Thế mà, giá hạt tiêu kỳ hạn trên thị trường Kochi-Ấn Độ từ đầu năm đến nay chỉ thấy tăng, không hề giảm.

Còn nhớ, kỷ lục trên thị trường kỳ hạn thế giới đầu tiên còn ghi nhận là ngày 1/11/1999 với 265 Rupi/kg cho tiêu xô và 275 Rupi/kg cho tiêu chọn. Đến ngày 30/4/2011, nghĩa là sau hai năm rưỡi, thiết lập mốc kỷ lục mới ở 280 Rupi/kg cho tiêu xô và 290 Rupi/kg cho tiêu chọn. Các nhà quản lý thị trường khi ấy cho rằng giá đang hướng tới mốc 300 Rupi/kg sẽ không còn xa khi mà chưa có năm nào thị trường hạt tiêu thế giới tăng nóng như năm 2011.

Không chỉ như vậy, giá tiêu thế giới đã lập đỉnh kỷ lục của năm 2011 vào ngày 21/9 khi tiêu chọn đạt 364 Rupi/kg và tiêu xô đạt 360 Rupi/kg, mức cao chưa hề có và không một nhà kinh doanh hạt tiêu chuyên nghiệp nào dám nghĩ tới . Sau đó giá tiêu thế giới quay đầu và dự báo hứa hẹn sẽ tăng cao trở lại khi các nước sản xuất chính hoàn tất mùa thu hoạch tiêu năm nay.

Cần khẳng định đến thời điểm này thu hái sớm như Ấn Độ mới chỉ được khoảng 3/4 sản lượng và Việt Nam, nước có sản lượng đứng đầu thế giới, cũng mới chỉ có 1/3 diện tích thu hoạch xong. Nhưng giá hạt tiêu thế giới đã vô cùng nóng. Kỷ lục mới, sớm được thiết lập ngày 7/3/2012 vừa qua, khi thị trường Ấn Độ có giá 400 Rupi/kg cho tiêu xô và 413 Rupi/kg cho tiêu chọn. Mức giá kỷ lục mà theo một nhà môi giới “có nằm mơ cũng không nghĩ đến”, còn các nhà phân tích thị trường hạt tiêu thế giới cũng chỉ biết lặp đi lặp lại mấy từ “tăng, tăng và tăng ; nóng, nóng và nóng ; cay, cay và cay”… để nói về thị trường hạt tiêu Ấn Độ lúc này.

Không chỉ các nhà kinh doanh hạt tiêu thế giới sững sờ ngạc nhiên mà những ai quan tâm đến thị trường hạt tiêu Việt Nam cũng ngạc nhiên không kém, vì “cả thế giới đang xôn xao mà Việt Nam bình chân như vại”…

bieu do gia hat tieu the gioi Thị trường hạt tiêu: Cả thế giới xôn xao, Việt Nam bình chân như vại

…đến mất phương hướng

Khi có thông tin sàn SMX tại Singapore sẽ đưa hạt tiêu vào giao dịch kỳ hạn, nguồn hàng được lấy từ một kho ngoại quan ở Việt Nam, không chỉ làm cho nhà xuất khẩu mà cả nông dân nước ta đều vui mừng. Vì khoảng cách đến với người tiêu dùng được rút ngắn cũng đồng nghĩa là hạt tiêu nước ta bớt được những khâu trung gian và người sản xuất sẽ hưởng lợi. Niềm vui còn nhân lên gấp bội khi trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 10/2/2012, giá khởi điểm của loại tiêu 550 Gr/l, loại tiêu phổ biến ở các nước Đông Nam Á, được ấn định cho kỳ hạn giao tháng 3 là 6.050 USD/tấn.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi giá tiêu kỳ hạn tại sàn NCDEX (Ấn Độ) liên tục tăng nóng, thiết lập đỉnh mới với giá cao ngất ngưởng lên đến xấp xỉ 8.700 USD/tấn thì tiêu kỳ hạn tại sàn SMX (Singapore) vẫn ì ạch quanh quẩn mức giá 6.000-6.500 USD/tấn, chênh lệch hơn 2.000 USD/tấn, là không thể chấp nhận được.

Các thương lái trong nước những ngày đầu còn theo dõi giá trên sàn Sing để mua bán, rồi sau đó phải đợi giá từ nhà thu mua xuất khẩu. Nhưng đến khi hai sàn trái chiều nhau thì sự lúng túng lộ rõ ở tất cả mọi giới tại thị trường nội địa. Giá mua bán trong ngày phải chỉnh đi chỉnh lại vì không biết nên dựa theo sàn nào. Và gần đây nhất, trong khi sàn Ấn vẫn diễn ra bình thường với khối lượng giao dịch hàng ngày vẫn duy trì khoảng 5-6 ngàn tấn thì sàn Sing không có một hợp đồng mở nào, khiến nhà kinh doanh thực sự mất phương hướng.

Nhìn vào các sàn giao dịch hạt tiêu hiện nay chợt nghĩ: Không biết các nhà quản lý nước ta nghĩ gì khi đã xây dựng sàn BEC (tại Buôn Ma Thuột) lại còn cho sàn hàng hóa Triệu Phong giao dịch cà phê, trong khi ý đồ xây dựng các sàn điều, tiêu là mặt hàng chiếm vị trí số 1 thế giới vẫn cứ bỏ ngỏ. Như vậy xuất khẩu nông sản các loại chiếm vị trí hàng đầu thực sự đã vững chắc hay vẫn còn nhiều phụ thuộc khác nữa?

Anh Văn

Sau khi lập kỷ lục, giá hạt tiêu đảo chiều lao dốc

Thị trường kỳ hạn thế giới trong mấy phiên cuối tháng 2 giá tăng vọt vì đã mua quá mức, giờ đang quay đầu giảm mạnh để đầu cơ giá xuống.

Chốt phiên ngày 2/3, tại sàn Ấn Độ (NCDEX) chỉ sau 2 phiên lao dốc, giá hạt tiêu kỳ hạn giao tháng 3 giảm tổng cộng 2.450 Rupi, xuống mức 37.160 Rupi/tạ, tức giảm 497 USD, tương đương 6,19%, còn 7.541 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 5 cũng giảm 2.230 Rupi, xuống mức 37.575 Rupi/tạ, tức giảm 453 USD, tương đương 5,6%, còn 7.626 USD/tấn. Trong khi giá hạt tiêu giao ngay chỉ giảm 759 Rupi, xuống mức 37.500 Rupi/tạ, tức giảm 154 USD, tương đương 2,01 %, còn 7.610 USD/tấn.

Tỷ lệ giảm rất thấp của giá hạt tiêu giao ngay cho thấy nhu cầu hạt tiêu của Ấn Độ vẫn còn cao vì đến nay nguồn cung tiêu vẫn chưa cải thiện mặc dù nước này đã vào vụ thu hoạch mới.

Giá hạt tiêu giao dịch trên sàn SMX-USD/tấn (nguồn: CafeF)

Tương tự cùng ngày, tại sàn Sing (SMX-Singapore), với 2 phiên quay đầu, kỳ hạn giao tháng 3 giảm 399 USD, tương đương 5,96 %, lui về mức 6.295 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 4 cũng giảm 639 USD, tương đương 9,5% về còn 6.086 USD/tấn, mức giảm cũng rất mạnh.

Theo các nhà xuất khẩu, thông tin Việt Nam, nước chiếm vị trí số 1 xuất khẩu hạt tiêu thế giới, sẽ giảm 30% khối lượng xuất khẩu xuống còn khoảng 86.000 tấn trong năm 2012 và thông tin dịch bệnh tràn lan khắp nơi khiến cho thị trường càng thêm lo lắng nguồn cung vốn đã thiếu liên tục trong mấy năm qua.

Thị trường kỳ hạn thế giới trong mấy phiên cuối tháng 2 giá tăng vọt vì đã mua quá mức, giờ đang quay đầu giảm mạnh để đầu cơ giá xuống. Trong khi đó, giá tiêu nội địa tăng chậm vì các nhà xuất khẩu nước ta chỉ quen bán hàng thực “mua ngay bán ngay” mà chưa tận dụng được ưu thế của thị trường kỳ hạn.

Theo dự báo của Hiệp Hội Hồ Tiêu Thế Giới (IPC) năm 2012, sản lượng tiêu thế giới năm nay sẽ tăng thêm 21,755 tấn hay 7,3%, lên đến 320,155 tấn, so với 298,400 tấn của năm 2011.

Sản lượng tăng năm nay chủ yếu đến từ các nước sản xuất tiêu hàng đầu thế giới, là thành viên của IPC, như Việt Nam (lên 110.000 tấn, tăng 10%), Indonesia (lên 41.000 tấn, tăng 24%), Malaysia (lên 26.500 tấn, tăng 5%)… Thông tin của IPC tuy đã góp phần làm dịu bớt nỗi lo về nguồn cung nhưng thế giới không chỉ có thêm 21,755 tấn hay 7,3% là đủ.

Theo dõi của hãng tin Reuters trong những năm gần đây cho biết, mỗi năm thế giới thiếu hụt từ 35.000-40.000 tấn tiêu các loại. Con số này không thể dễ dàng bù đắp được trong tương lai gần khi mà dịch bệnh hại tiêu tràn lan và biến đổi khí hậu đang hũy hoại mùa màng khắp nơi.

Do vậy, giá tiêu lao dốc chỉ còn thấy trên thị trường kỳ hạn, còn trong thực tế giá tiêu vẫn duy trì ở mức cao.

Sáng nay 4/3, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã tái lập mốc 130.000 đồng/kg sau khi bị rớt theo giá thị trường kỳ hạn trong 2 ngày qua.

Anh Văn

Hạt tiêu thế giới tăng 1.000 USD/tấn trong 1 tuần, tiêu trong nước vượt 130 nghìn đồng/kg

Giá tiêu mới đầu vụ đã tăng cao khiến nhà vườn lạc quan nhưng cũng chưa ai bán ra vì đang bận thu hoạch.

Chỉ trong vòng 7 ngày qua, tính đến hết ngày thứ Hai đầu tuần, giá tiêu kỳ hạn thế giới tiếp tục được đẩy tăng nhanh trong nỗi lo nguồn cung năm nay sẽ thiếu hụt trầm trọng. Ấn Độ, một nước sản xuất tiêu chủ lực, đang thu hoạch vụ mùa và dự báo có khả năng sụt giảm đến 40% năng suất.

Giá hạt tiêu kỳ hạn thế giới trên sàn Ấn Độ (NCDEX) tiếp tục tăng nóng. Kỳ hạn giao tháng 3 tổng cộng tăng 4.765 Rupi lên 36.855 Rupi/tạ, tương đương 14,85%, tức tăng 967 USD lên 7.478 USD/tấn và kỳ hạn tháng 4 cũng tăng 4.665 Rupi lên 37.130 Rupi/tạ, tương đương 14,37 %, tức tăng 947 USD lên 7.534 USD/tấn (1USD = 49,2852). Mức tăng mà những nhà quan sát lẫn nhà kinh doanh trên thị trường tiêu kỳ hạn cũng không thể lường được.

Giá hạt tiêu giao ngay cũng tăng 4.048 Rupi lên 36.343 Rupi/tạ, tương đương 12,53 %, tức tăng 821 USD lên 7.374 USD/tấn. Giá hạt tiêu giao ngay càng cao càng khẳng định mức độ căng thẳng của thị trường hạt tiêu Ấn Độ.

Trái lại, trên sàn Sing (SMX-Singapore), giá tiêu kỳ hạn tháng 3 tăng 93 USD, tương đương 1,44 %, lên 6.531 USD/tấn và kỳ hạn tháng 4 cũng tăng  tăng 94 USD, tương đương 1,45 %, lên 6.592 USD/tấn, mức tăng rất nhẹ so với tiêu kỳ hạn Ấn Độ trong khoảng thời gian tương tự.

Do đặc điểm thời gian, giá đóng cửa của sàn Sing được dùng để sàn Ấn tham chiếu. Nhưng mức giá tăng gấp 10 lần của sàn Ấn lại khiến cho sàn Sing hết sức bất ngờ.

Giá hạt tiêu giao dịch trên sàn SMX-USD/tấn (nguồn: CafeF)

Sáng nay 29/2, giá tiêu đen xô tại các thị trường nội địa tiếp tục tăng nhẹ. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu là 131.000-132.000 đồng/kg, Bình Phước 129.000 đồng/kg, Đăk Lăk-Đăk Nông 127.000 đồng/kg, Gia Lai 126.000 đồng/kg, bình quân tăng 5.000 đồng/kg trong vòng 1 tuần qua.

Chị Thanh Tâm, nông dân trồng tiêu ở Cư Kuin, Đăk Lăk cho biết, giá tiêu mới đầu vụ đã tăng cao khiến nhà vườn lạc quan nhưng cũng chưa ai bán ra vì đang bận thu hoạch. Tính đến thời điểm này gia đình chị đã thu hoạch mới được 1/3 diện tích, vì năm nay nền nhiệt vẫn chưa cao nên tiêu chín chậm so với các năm trước.

Nhìn chung, thị trường hạt tiêu nội địa tuy giá cao ngay từ đầu vụ nhưng mua bán vẫn chưa sôi động. Nhu cầu thu mua của các công ty xuất khẩu bình quân chỉ bằng một nửa của các năm trước.

Thị trường tiêu kỳ hạn thế giới liên tục đẩy giá lên cũng góp phần làm ngăn cản dòng chảy đưa hàng ra thị trường. Vô hình chung, bây giờ nhà vườn trồng tiêu rơi vào cảnh “ôm hàng đợi giá”.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, ước xuất khẩu tháng 2 đạt 6 ngàn tấn với kim ngạch đạt 42 triệu USD. Xuất khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 9 ngàn tấn và thu về 66 triệu USD, giảm 4,5% về lượng nhưng tăng 39,1% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Giá tiêu tăng mạnh, giá xuất khẩu bình quân tháng 1 đạt 6.971 USD/T, tăng 42,4% (tương đương 2.074 USD/T) so với cùng kỳ năm 2011.

Anh Văn

Giá hạt tiêu thế giới tăng ngoài dự báo

Giá tiêu kỳ hạn tăng mỗi ngày gần 200 USD, mức tăng ngoài mọi dự đoán của giới phân tích cũng như của nhà đầu cơ.

Tuần này, giá hạt tiêu kỳ hạn thế giới trên sàn NCDEX ở Kochi-Ấn Độ có chuỗi phiên liên tiếp tăng vọt, mức tăng hiếm thấy. Chỉ trong 3 phiên đầu tuần, kỳ hạn giao tháng 3 tăng tổng cộng 2.680 Rupi, tức tăng 8,62%, lên mức 33.670 Rupi/tạ, tương đương 6.852 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 4 tăng tổng cộng 2.745 Rupi, tức tăng 8,72 %, lên mức 34.210 Rupi/tạ, tương đương 6.962 USD/tấn. Tính theo giá trị đồng USD, mức tăng xấp xỉ 530-560 USD. (1 USD = 49,1391 Rupi)

Giá hạt tiêu giao ngay cũng tăng tổng cộng 1.841 Rupi, tức tăng 5,81 %, lên mức 33.505 Rupi/tạ, tương đương 6.818 USD/tấn, tăng 375 USD.

Tuy nhiên, theo các nhà xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam thì giá tiêu Ấn Độ đang được đẩy lên cao do nguyên nhân chính là năm nay sản lượng tiêu Ấn Độ tiếp tục giảm mạnh, cần có lực hút để kéo hàng về.

Được biết năm ngoái, Ấn Độ là một trong Top5 thị trường lớn nhập khẩu hạt tiêu Việt Nam, với khối lượng 6.696 tấn tiêu các loại và giá trị kim ngạch 36,3 triệu USD. Ấn Độ chủ yếu nhập loại hạt tiêu giá thấp về để chế biến tái xuất và bổ sung cho tiêu thụ nội địa.

Trong khi đó tại sàn SMX (Singapore), qua 2 phiên giao dịch ngày 22 và 23/2, giá tiêu kỳ hạn giao tháng 3 chỉ tăng 8 USD/tấn trong khi kỳ hạn giao tháng 4 giảm 47 USD/tấn. Đây chính là lý do khiến giá tiêu nội địa Việt Nam trong mấy ngày qua chững lại.

Do khác biệt về múi giờ nên giá đóng cửa của sàn SMX cũng tác động mạnh lên sàn NCDEX, do đó các thương nhân giao dịch hạt tiêu Ấn Độ sẽ có cơ hội thành công cao hơn.

Cũng từ đầu tuần này, giá tiêu đen xô trong nước tại các vùng trồng tiêu trọng điểm biến động không đáng kể vì không có hàng đưa ra thị trường. Một số thương lái cho biết nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu rất thấp và người trồng tiêu cũng chưa muốn bán. Lượng hàng mua được chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm trước.

Sáng hôm nay 25/2, giá tiêu đen xô tại thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu đứng quanh mức 126.000-127.000 đồng/kg. Các thị trường khác thấp hơn 3.000-4.000 đồng/kg, mức giá duy trì đã 7 ngày qua.

Theo số liệu báo cáo của ngành Hải Quan, nửa đầu tháng 2/2012 xuất khẩu đạt 3.301 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 22,3 triệu USD, tăng 216,19% về lượng và 354,33% về giá so với nửa đầu tháng 2/2011. Bình quân giá xuất khẩu đạt 6.740 USD/tấn.

Giá hạt tiêu nội địa lẫn xuất khẩu đồng loạt tăng mạnh

Nhiều thương lái cho biết, giá tiêu đang tăng với tốc độ nhanh song việc thu gom hàng lại trở nên khó khăn hơn vì người trồng tiêu không muốn bán ra.

Thị trường hạt tiêu thế giới lẫn nội địa trong tuần qua đều biến động mạnh do nỗi lo về nguồn cung, nhất là sau khi ngành nông nghiệp nước ta dự kiến xuất khẩu hạt tiêu năm 2012 sẽ giảm khoảng 30% khối lượng.

Nguyên nhân chính là vụ thu năm 2012 sẽ sụt giảm nghiêm trọng vì thời tiết bất lợi, mặc dù năm qua diện tích trồng tiêu của cả nước tăng nhanh ngoài kế hoạch nhờ giá cao. Con số sản lượng ước giảm 30 – 40% do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khảo sát tại các vùng trồng tiêu trọng điểm hồi cuối năm 2011 đã khiến các nhà xuất khẩu thực sự lo lắng.

Trong tuần qua, tuy mới được đưa lên giao dịch tại sàn SMX (Singapore) nhưng giá tiêu đen chỉ 1 tuần đã tăng 250 USD, tức 4,15 %, lên mức 6.301 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 3 và tăng tới 354 USD, tức 5,57 %, lên mức 6.354 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 4, mức tăng rất mạnh. (xem biểu đồ)

Giá hạt tiêu trên sàn SMX trong tuần giao dịch đầu tiên -USD/tấn (nguồn: CafeF)

Giá tiêu đen xô tại thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu trong tuần qua cũng tăng thêm 5.000 đồng, tương đương 4,1 %, lên 127.000 đồng/kg. Các thị trường nội địa khác cũng có mức tăng rất nóng không kém, như Đăk Lăk-Đăk Nông tăng 7.000 đồng, lên 122.000 đồng/kg, Gia Lai tăng 8.000 đồng, lên 124.000 đồng/kg.

Nhiều thương lái cho biết, mức tăng của giá tiêu đầu vụ so với năm trước như vậy là rất mạnh nhưng việc thu gom hàng hiện nay cũng khó khăn hơn vì người trồng tiêu không muốn bán ra. Điều này cũng dễ hiểu vì giá tiêu năm trước đạt đỉnh xấp xỉ 160.000 đồng/kg khiến cho những nhà vườn bán sớm vẫn còn nuối tiếc.

Trên sàn NCDEX tại Kochi-Ấn Độ, trong tuần qua, giá tiêu kỳ hạn tháng 3 tăng tổng cộng 1.265 Rupi, tức 4,24 %, lên 31.080 Rupi/tạ, tương đương 6.310 USD/tấn. Kỳ hạn tháng 4 cũng tăng 1.370 Rupi, tức 4,55 %, lên 31.465 Rupi/tạ, tương đương 6.388 USD/tấn, mức tăng mạnh hơn. Riêng giá hạt tiêu giao ngay chỉ tăng 842 Rupi, tức 2,73 %, lên 31.664 Rupi/tạ, tương đương 6.429 USD/tấn.

Giá hạt tiêu xuất khẩu của tất cả các nước cũng tăng cao. Tiêu Ấn Độ loại đặc chủng MG1 đi châu Âu giá 6.700 USD/tấn và đi Mỹ giá 7.000 USD/tấn (C&F), tăng 250 USD. Tiêu Brazil loại B1 được chào mua 6.700 USD/tấn và loại B2 thấp hơn 100 USD/tấn, tăng 350 USD. Tiêu đen Việt Nam loại 500 Gr/l-FAQ được chào giá 6.300 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ chào giá 6.600 USD/tấn, (FOB), tăng 300-350 USD.

Được biết, các hãng tàu biển quốc tế đều thông báo tăng giá cước kể từ đầu tháng 3 này, nhằm khôi phục lại giá cước đã giảm sâu kể từ năm 2008. Việc tăng giá cước vận tải biển sẽ khiến cho các nhà xuất khẩu Việt Nam gặp khó vì lâu nay việc vận chuyển hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các hãng tàu của nước ngoài.

Dự kiến sắp tới giá tiêu trong nước vẫn duy trì ở mức cao.

Xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ: Cẩn trọng với những “chiêu” gây khó dễ

Được coi là nước nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam song dường như Mỹ đã và đang cố tình tìm cách gây khó cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, từ cuối năm 2011 trở lại đây, nhóm mặt hàng nông sản khi vào thị trường này gặp ngày càng nhiều trắc trở.

Thanh long cũng là mặt hàng bị Mỹ gây khó

Năm 2012, nông sản xuất khẩu sang Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong thời gian tới, hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi Mỹ sẽ thực hiện kiểm tra chất lượng các mặt hàng nông sản nhập khẩu vào Mỹ theo Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA) mới được Chính phủ nước này ban hành. Cụ thể, theo đạo luật, từ năm 2012, Mỹ sẽ thực hiện quy trình kiểm tra hết sức ngặt nghèo đối với các sản phẩm hàng hóa của tất cả các nước khi xuất khẩu vào thị trường này, bao gồm nông sản, đồ ăn, đồ uống. Cũng theo FSMA, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ có quyền ra lệnh kiểm tra hoặc thu hồi sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ nếu không đảm bảo chất lượng đồng thời tính phí cho chủ hàng xuất khẩu sản phẩm đó.

Từ năm 2009 trở lại đây, Mỹ đã lợi dụng những đạo luật thương mại để đưa ra các “chiêu” nhằm tạo lực cản cho các mặt hàng xuất khẩu của ta vào thị trường này. Chúng ta không còn lạ gì khi nghe đến các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà phía Mỹ cố tình gây khó dễ cho ta đối với những mặt hàng như túi nhựa PE, ống thép, thủy sản…Và nay lại đến các mặt hàng nông sản.

Không xa xôi gì, ngay tháng 11 – 2011 vừa qua, quả thanh long – một mặt hàng nông sản có lượng xuất khẩu khá lớn của Việt Nam – bỗng dưng bị Mỹ cấm thông quan vì cho là có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp tham gia xuất khẩu mặt hàng này, mặc dù kết luận có lượng tồn dư thuốc nhưng FDA (cơ quan quản lý Thuốc và thực phẩm Mỹ) lại không quy định rõ giới hạn tỷ lệ bao nhiêu. Điều đáng nói là, trước đó Mỹ không hề có quy định này… Sự việc này đã khiến nhiều doanh nghiệp của ta chọn giải pháp ngừng xuất khẩu thanh long.

Cũng trong năm 2011 (cụ thể là từ tháng 7 đến tháng 11) khoảng 600 tấn mật ong của Việt Nam đã bị Cơ quan dược phẩm Mỹ trả lại. Lý do mà nước này đưa ra là bởi, mật ong của ta nhiễm một loại thuốc trừ nấm có tên là Carbenzamin. Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù dư lượng chất này ở mật ong xuất khẩu của ta thấp hơn rất nhiều so với quy định của CODEX và Liên minh châu Âu (EU) song Mỹ vẫn cố tình khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn. Kết cục là, sau sự việc 600 tấn mật ong của Việt Nam bị Mỹ trả lại, đến nay sản phẩm mật ong hầu như khó có thể xuất khẩu được. Song, điều quan trọng là, động thái này của Mỹ đã khiến 35.000 người nuôi ong của Việt Nam rơi vào tình thế “dở khóc dở cười”. Bởi từ khi trở thành mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh, nhiều người dân Việt Nam đã chuyển hẳn sang làm nghề nuôi ong lấy mật. Do đó, có thể trông thấy ngay sự ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều người nông dân Việt Nam.

Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường mình hướng đến

Nhận định về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thu Trang – Phó Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây có thể lại là một cách để Mỹ cố tình gây khó dễ cho các mặt hàng xuất khẩu của ta. Song vấn đề ở đây là, họ được quyền làm như vậy. Bởi vậy, bà Trang khuyến cáo, các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ cần tìm hiểu thật kỹ các rào cản, các đạo luật ta có thể gặp phải. Bởi thị trường này dù chúng ta chiếm nhiều về mặt hàng, số lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu song đây lại là thị trường phức tạp nhất.

Ngoài ra, phía cơ quan Nhà nước, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng cho biết, trong gian tới, cơ quan này sẽ tổ chức các buổi đối thoại nhằm thiết lập một kênh thông tin thông suốt giữa các bên liên quan để giải quyết các vướng mắc, tranh chấp liên quan đến vấn đề xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Đây là việc làm cần thiết để các doanh nghiệp có thêm nhiều điều kiện nhằm bổ sung những thông tin cần thiết cho việc xuất khẩu các mặt hàng không chỉ sang Mỹ mà sang cả EU và nhiều nước khác trên thế giới.

Giá hạt tiêu Việt Nam lên sàn tăng “như diều gặp gió”

Sắp tới sàn SMX sẽ đưa tiêu đen tương đương loại 500 Gr/l-FAQ, là tiêu chuẩn tiêu đen loại 2 Việt Nam và cũng là loại chúng ta xuất khẩu với khối lượng nhiều nhất, vào giao dịch.

Trưa hôm qua 15/2,  tiêu đen xô tại Bà Rịa – Vũng Tàu đang giao dịch ở mức giá 124.000 đồng/kg. Các thị trường nội địa khác giá thấp hơn 5.000-6.000 đồng/kg.

Chốt phiên thứ Ba ngày 14/2, giá tiêu thế giới trên sàn NCDEX tại Kochi-Ấn Độ bật tăng trở lại. Các kỳ hạn giao tháng 2,3,4 lần lượt tăng 425 Rupi,  385 Rupi và 305 Rupi, lên mức 29.535 Rupi/tạ, 29.975 Rupi/tạ và 30.250 Rupi/tạ, tương đương 6.015 USD/tấn, 6.105 USD/tấn và 6.161 USD/tấn  (1 USD = 49,0987 Rupi). Tính theo giao dịch bằng đồng Rupi thì giá giảm nhẹ nhưng qui đổi ra USD thì giá vẫn tăng 20-60 USD so với ngày 10/2 tùy theo kỳ hạn tháng.

Giá hạt tiêu giao ngay tăng tiếp thêm 42 Rupi, lên 30.948 Rupi/tạ, tương đương 6.303 USD/tấn.

Cũng phiên ngày 14/2, giá tiêu đen trên sàn SMX tại Singapore kỳ hạn giao tháng 3 tăng 257 USD, tương đương tăng 4,38 %, lên đứng ở 6.119 USD/tấn, mức tăng rất ấn tượng.

Nhìn chung, giá tiêu trên các thị trường kỳ hạn lẫn các thị trường nội địa đang có xu hướng tăng.

Được biết, tiêu chuẩn loại hạt tiêu đưa lên giao dịch trên sàn SMX tương đương loại 550 Gr/l-FAQ, là tiêu chuẩn tiêu đen loại 1 Việt Nam. Sắp tới sàn SMX sẽ đưa tiêu đen tương đương loại 500 Gr/l-FAQ, là tiêu chuẩn tiêu đen loại 2 Việt Nam và cũng là loại Việt Nam xuất khẩu với khối lượng nhiều nhất, vào giao dịch nhằm thu hút khối lượng giao dịch qua sàn tăng lên. Do hạt tiêu Việt Nam hiện đang chiếm 43% khối lượng xuất khẩu tiêu toàn cầu và giữ vị trí xuất khẩu tiêu số 1 thế giới nhiều năm qua.

Tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam loại 500 Gr/l-FAQ được chào giá 5.900-5.950 USD/tấn, loại 550 Gr/l-FAQ giá 6.250-6.300 USD/tấn, FOB, tăng nhẹ. Trong khi tiêu đen Ấn Độ loại đặc chủng MG1 chào bán giá 6.400-6.450 USD/tấn đi châu Âu và 6.750-6.800 USD/tấn đi Mỹ, (C&F), giảm nhẹ so với tuần trước.

Theo kế hoạch của Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam (VPA) nhằm đánh giá một cách đầy đủ, chính xác và đưa ra những nhận định, dự báo về sản lượng vụ tiêu năm 2012 trong phạm vi cả nước, VPA hiện đang tổ chức đoàn khảo sát tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm như Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai sau khi đã khảo sát tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu cuối năm 2011 vừa qua.

Nhận xét không mấy khả quan về vụ tiêu năm 2012 của VPA qua đợt khảo sát trước đã làm dấy lên mối lo cho những nhà nhập khẩu tiêu, vì thể đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Qua đợt khảo sát lần này chắc chắn VPA sẽ đánh giá một cách chính xác và toàn diện hơn.

Hiện nay tất cả những vùng trồng tiêu chính ở Đông Nam bộ và Tây nguyên đều bước vào vụ thu hoạch tiêu năm 2012. Và cũng đã có những tín hiệu phản hồi về vụ mùa khác nhau.

Theo số liệu thống kê của Hải Quan, xuất khẩu hạt tiêu tháng 1/2012 đạt 3.435 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 23,9 triệu USD, tuy tăng 4,7 % về lượng nhưng giảm 5,8 % về giá so với tháng liền kề và giảm 27,6% về lượng nhưng lại tăng 3% về giá so với cùng kỳ năm trước. Bình quân giá tiêu xuất khẩu tháng 1/2012 đạt 6.971 USD/tấn.

 Anh Văn

Đầu tư vào hàng hóa lên cao nhất gần 5 tháng

dau-tu-vao-hang-hoaĐặt cược giá hàng hóa tăng lên cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái nhờ niềm tin tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ thúc đẩy nhu cầu hàng hóa.

Trong tuần kết thúc hôm 7/2, các quỹ quản lý tiền đã mua ròng 929.199 hợp đồng phái sinh về 18 hàng hóa Mỹ, tăng 13% so với tuần trước đó, theo báo cáo của Ủy ban giao dịch hàng hóa kì hạn (CFTC). Đây là mức cao nhất kể từ tuần thứ 3 tháng 9 năm ngoái.

Đặt cược giá tăng vào đồng tăng 60%, lên 12.298 hợp đồng – mức cao nhất kể từ tuần kết thúc hôm 2/8 năm ngoái. Dự trữ đồng tại sàn LME hiện ở mức thấp nhất 2 năm sau khi sản lượng khai thác giảm mức kỉ lục 200.000 tấn năm 2011.

Đặt cược giá tăng với 11 nông sản Mỹ tăng thêm 16% so với tuần trước đó, lên 455.628 hợp đồng – mức cao nhất kể từ tuần thứ 1 tháng 11 năm ngoái. Thời tiết khô nóng đang ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng tại Brazil và Argentina – các nước trồng nông sản đứng đầu thế giới sau Mỹ.

Thị trường hàng hóa hưởng lợi từ thông tin số lượng đơn trợ cấp thất nghiệp Mỹ thấp hơn dự báo và niềm tin tiêu dùng lên cao nhất 1 năm. Đầu tư vào hàng hóa tăng tuần thứ 7, đánh dấu đợt tăng dài nhất kể từ tháng 2/2009.

Chỉ số Standard & Poor’s GSCI Spot theo dõi giá 24 hàng hóa nguyên liệu tăng 1% trong tuần trước. Lượng hợp đồng tương lai của 24 hàng hóa được theo dõi bởi chỉ số đã tăng 0,8% trong tuần và tăng 13% kể từ đầu năm. Giá 17/24 hàng hóa đã tăng trong năm nay, dẫn đầu là mức tăng 20% của bạc. Kẽm tăng 13% và đồng tăng 12%.

Trong tuần kết thúc hôm 8/2, các nhà đầu tư đã đổ thêm 941 triệu USD vào các quỹ hàng hóa, theo dữ liệu của công ty chuyên theo dõi các quỹ EPFR. Trong đó, lượng tiền đổ vào kim loại quý là 495 triệu USD.

Ngày đầu tiên lên sàn quốc tế, giá tiêu đen VN đạt 6.050 USD/tấn

Mức giá này cao hơn nhiều so với giá tiêu đen xuất khẩu bình quân 5.637 USD/tấn của năm 2011, mở ra triển vọng sáng sủa cho ngành hồ tiêu Việt Nam.

Sở giao dịch hàng hóa Singapore (SMX) đã bắt đầu giao dịch hạt tiêu đen kỳ hạn từ ngày hôm qua 10/2, cũng là nông sản đầu tiên được giao dịch trên sàn này.

Theo đó, giá tiêu đen giao kỳ hạn tháng 3 đóng cửa phiên đầu tiên ở mức 6.050 USD/tấn. Trong phiên, giá dao động từ 5.950 – 6.070 USD/tấn, với 125 hợp đồng được thực hiện thành công.

Trước đó, SMX thông báo, nguồn hàng giao dịch trên sàn này sẽ được lấy từ một kho ngoại quan tại Việt Nam – nước sản xuất và xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới. Ngoài ra, các hợp đồng tiêu trên sàn này có thể cung cấp giá chuẩn cho tiêu đen của toàn thế giới nếu thanh khoản tốt.

Hiện hạt tiêu của Việt Nam chiếm 43% thị phần hạt tiêu thế giới. Các nước Indonesia, Malaysia, Braxin, Ấn Độ, Sri Lanka cùng nhau chiếm thị phần còn lại.

Tiêu đen giao dịch trên sàn Singapore, sàn hạt tiêu kỳ hạn đầu tiên của thế giới, là tiêu đen đạt tiêu chuẩn 550 gr/lít, một loại tiêu phổ biến ở thị trường châu Á.

Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong năm 2011 Việt Nam đã xuất khẩu 99.918 tấn tiêu đen, đạt giá bình quân 5.637 USD/tấn, tăng 2.136 USD so với bình quân giá năm 2010.

Như vậy, mức giá khởi điểm trên sàn SMX tương đối cao, mở ra triển vọng sáng sủa cho ngành hồ tiêu Việt Nam.

Tiêu đen Việt Nam chính thức lên sàn quốc tế, giá trong nước “nóng” lên

Sáng nay 10/2, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa-Vũng Tàu được thương lái thu mua với giá 121.000-122.000 đồng, tăng 10% trong vòng 1 tháng sau khi hàng vụ mới được đưa ra thị trường.

Chốt phiên ngày thứ Tư 8/2, giá hạt tiêu giao sau trên sàn NCDEX của Ấn Độ vẫn trong xu hướng suy giảm. Kỳ hạn giao tháng 2 đứng ở 29.510 Rupi/tạ, tương đương 5.997 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 đứng ở 29.510 Rupi/tạ, tương đương 6.046 USD/tấn. ( 1 USD = 49,2094 Rupi ).

Trong khi đó, giá hạt tiêu giao ngay vẫn đứng ở 31.000 Rupi/tạ, tương đương 6.300 USD/tấn, tiếp tục duy trì khoảng cách chênh lệch cao hơn bởi nhu cầu hàng thực. Điều này cũng góp phần lý giải vì sao tuy mới đầu vụ nhưng giá hạt tiêu nội địa tại Việt Nam sớm nóng dần lên.

Trong chuyến khảo sát cuối năm 2011 của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức, để bước đầu nắm tình hình sản xuất, năng suất, sản lượng thu hoạch vụ tiêu năm 2012, đoàn khảo sát đã có cái nhìn không mấy lạc quan, nếu không nói là khá bi quan về vụ tiêu năm nay.

Và để có những đánh giá, nhận định, dự báo về sản lượng vụ tiêu năm 2012 trong phạm vi cả nước một cách đầy đủ hơn, xác đáng hơn, VPA sẽ tiếp tục tổ chức đoàn khảo sát, ngay sau Tết âm lịch, tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm như Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bộ này dự báo xuất khẩu hạt tiêu cả nước năm 2012 sẽ đạt gần 86.000 tấn, thu về gần 619 triệu USD, giảm 30% về lượng nhưng chỉ giảm 16% về giá so với năm 2011.

Hiện nay tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm, nông dân đồng loạt tiến hành thu hoạch đợt tiêu chín sớm của năm 2012 với khí thế sôi nổi trong hoàn cảnh giá tiêu đen xô đang ở mức cao. Tuy nhiên, để chế biến tiêu trắng, nguồn hàng thường được lấy từ tiêu thu hoạch đợt 2, chủ yếu là giống tiêu Vĩnh Linh, vào khoảng đầu tháng ba âm lịch.

Được biết kể từ ngày 10/2, hợp đồng tiêu đen giao tương lai sẽ được đưa lên giao dịch tại Sàn giao dịch Singapore (SMX – Singapore Mercantile Exchange). Nguồn hàng sẽ được lấy từ một kho ngoại quan tại Việt Nam – nước sản xuất và xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, các hợp đồng tiêu trên sàn SMX có thể cung cấp giá chuẩn cho mặt hàng này của toàn thế giới nếu thanh khoản tốt.

 Kết quả xuất khẩu tiêu năm 2011, về lượng đạt 118.416 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 693 triệu USD, trong đó có 99.918 tấn tiêu đen và 18.498 tấn tiêu trắng, tuy chỉ tăng 6,9% về lượng nhưng tăng mạnh 65% về giá so với năm 2010. Bình quân giá tiêu đen 5.637 USD/tấn và tiêu trắng 8.114 USD/tấn, so với năm 2010 giá tiêu đen tăng 2.136 USD/tấn và tiêu trắng tăng 3.139 USD/tấn. (Nguồn VPA)

Giá cao su cao nhất kể từ tháng 9/2011

Giá cao su tăng hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 8/2 bởi giá dầu mỏ đắt đỏ thúc đẩy nhu cầu cao su thiên nhiên thay thế cho các sản phẩm cao su tổng hợp.

Trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su giao tháng 7 đóng cửa hôm nay ở 325,9 Yên/kg, tương đương 4.228 USD/tấn, cao hơn 2,1% so với ngày hôm qua. Từ đầu năm tới nay, giá trên thị trường này đã tăng 24%, sau khi để mất 36% trong năm ngoái nhờ lạc quan về nhu cầu.

Đồng Euro hôm nay lên cao nhất 8 tuần so với USD sau khi có tin các nhà lãnh đạo Hy Lạp đang chuẩn bị thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm nhận được gói cứu trợ mới trị giá 130 tỷ Euro. Thủ tướng Lucas Papademos sẽ có cuộc gặp với những người đứng đầu 3 đảng trong chính phủ ngày hôm nay 9/2.

Theo các thương nhân, niềm tin Hy Lạp sẽ đạt được gói cứu trợ mới đã thúc đẩy nhà đầu tư tăng nắm giữ các tài sản rủi ro. Cao su hôm nay cũng tăng giá cùng với dầu mỏ và các hàng hóa công nghiệp khác.

Tại Thái Lan, giá cao su tấm hun khói giao tiền mặt đã lên tới 127,8 baht/kg, tức 4,15 USD/kg. Giá tăng một phần theo thế giới, phần khác nhờ kế hoạch chi 17 tỷ baht để nâng giá cho người nông dân của Chính phủ Yingluck.

Trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá cao su giao tháng 3 tăng gần 3% lên 29.170 NDT/tấn, tức 4.634 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 22/9/2011. Giá tại thị trường này tăng còn bởi nhu cầu mạnh của ngành công nghiệp lốp xe và găng tay sau thời gian nghỉ Tết vừa qua, cộng với hàng dự trữ trong kho sụt mạnh.

Giá cao su tăng cao nhờ sức mua của thương nhân Trung Quốc

Khoảng 10 ngày trở lại đây, mỗi ngày có gần 600 – 1.000 tấn cao su được thương nhân Trung Quốc mua ở cửa khẩu Móng Cái.

Đây là thông tin được ông Lê Văn Xứng, Trưởng đại diện kinh doanh của Công ty cao su Bình Long, Bình Phước cho biết chiều ngày 7-2.

Cũng theo ông Xứng, do thương nhân Trung Quốc mua vào với số lượng lớn nên giá cao su hiện đã ở mức 23.000 nhân dân tệ/tấn, (1 nhân dân tệ bằng 3.290 đồng) tăng hơn 1.000 nhân dân tệ/tấn so với thời điểm trước Tết Nhâm Thìn.

Trước đó, vào cuối tháng 9-2011, do một số yếu tố khách quan nên việc mua bán cao su tại cửa khẩu Móng Cái tạm ngừng.

Ông Xứng cho rằng, trong thời gian tới giá cao su ở biên giới phía Bắc nhiều khả năng còn tiếp tục tăng lên do phía Trung Quôc tiếp tục mua vào với số lượng lớn.

Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), giá cao su bắt đầu tăng từ tháng 2 do một số nước trong khu vực ngưng thu hoạch. Thêm vào đó, Thái Lan đưa ra chính sách mua cao su tạm trữ, và một số nước thì hạn chế bán ra.

Vì thế, nguồn cung giảm nên đẩy giá trên thị trường lên. Hiện giá cao su đang ở mức trên 3.700 – 3.750 đô la Mỹ/tấn, tăng gần 500 đô la Mỹ/tấn so với tháng 1.