Không dễ thu phí xuất khẩu cà phê

Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam vừa xây dựng đề án thành lập Quỹ bảo hiểm cà phê để trình Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí trong thời điểm này sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo đề xuất mới, từ tháng 10-2012, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (Vicofa) sẽ bị thu phí 2 đô la Mỹ trên mỗi tấn cà phê xuất khẩu.

Kim nghạch xuất khẩu cà phê

Vicofa đề xuất sẽ thu phí 2USD trên mỗi tấn cà phê xuất khẩu

Tại buổi họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) bàn cách tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng diễn ra hồi đầu tháng 2, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, đề nghị nhà nước có cơ chế cho phép Vicofa thu 2 đô la Mỹ trên mỗi tấn cà phê xuất khẩu từ các doanh nghiệp thành viên. Nếu được thì mỗi năm quỹ này cũng thu được ít nhất 1 triệu đô la Mỹ.

Ông Tự cho hay, nếu không thu phí để đầu tư lại cho cây cà phê thì 10 năm nữa Việt Nam sẽ tụt xuống vị trí thứ 4, thứ 5 về sản xuất và xuất khẩu cà phê. Hơn nữa, nếu không thu phí để tái đầu tư cho cây cà phê thì doanh nghiệp sẽ không có cà phê để xuất khẩu.

Do đó, quỹ này sẽ dành khoảng 50 – 70% để hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân tái canh cà phê già cỗi, 30% hỗ trợ lãi vay tạm trữ cà phê, còn lại dùng để xúc tiến thương mại.

Đề xuất này dù được nhiều người ủng hộ nhưng cũng vấp phải không ít phản đối từ các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành.

Ông Đoàn Triệu Nhạn, một chuyên gia lâu năm trong ngành cà phê cho hay, các nước xuất khẩu cà phê lớn như Brazil, Columbia…đã thành lập quỹ bảo hiểm ngành cà phê từ rất lâu rồi. Vicofa cũng đưa ra kiến nghị này từ năm 2002 nhưng do thời điểm đó giá cà phê xuống thấp quá nên lùi lại tới giờ này mới đề xuất lên Chính phủ. Tuy nhiên, hiện cũng chưa phải thời điểm thích hợp để thu phí, khi giá cà phê trên thế giới đang lao dốc mà áp dụng quy định này sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp.

Ông Nhạn cho biết, một mâu thuẫn trong đề xuất này là nếu chỉ thu các doanh nghiệp trong hiệp hội thì sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp trong hội sẽ không chịu nộp phí và xin ra khỏi hội.

Hơn nữa, cả nước hiện có trên 140 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê trong đó có 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, 12 doanh nghiệp FDI này hiện lại chiếm tới hơn 50% tổng khối lượng xuất khẩu. Nếu không thu phí cả những đối tượng này, sẽ gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đẩy các doanh nghiệp trong nước ngày càng khó khăn hơn.

“Nếu đã thu phí xuất khẩu thì tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trên đất Việt Nam này đều phải đóng hết chứ không chỉ những doanh nghiệp trong nước”, ông Nhạn nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Chính sách Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn miền Nam, tỏ ra quan ngại về tính khả thi của đề án. Theo ông Phong, quỹ bảo hiểm này dù mới đang trong quá trình dự thảo, nhưng đã gặp phải sự phản ứng tiêu cực từ phía doanh nghiệp, khi trong đề án có nói phí này để phục vụ cho nông dân tái canh cây cà phê nhưng lại không đề cập đến việc xác định nông dân nào tái canh, nông dân nhận tiền như thế nào và tái canh theo hình thức nào. Trong đề án có nhiều điểm không khả thi và sẽ khó có thể được phê duyệt thu phí từ tháng 10 tới.

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn An- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa cho hay, ông đồng tình với việc thu phí xuất khẩu cà phê. “Trước đây các doanh nghiệp hay ỷ lại vào cơ chế xin cho, tức khi giá cao thì doanh nghiệp lơ đi nhưng khi giá xuống lại xin nhà nước trợ giá, hỗ trợ lãi suất. Đây là ngành hàng có giá trị lớn, về tổng quan là có lợi nhuận nên hiệp hội đề xuất xây dựng quỹ này là đúng”, ông An nói.

Tuy nhiên, theo ông An, nói là thu từ xuất khẩu nhưng thực chất là gián thu của người nông dân. Chính vì vậy, tất cả các tờ khai xuất khẩu của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, đều phải thu và chi trực tiếp cho người nông dân thông qua hình thức tạm trữ cà phê hoặc tái canh cà phê bằng cách cấp miễn phí giống cà phê cho nông dân.

Còn theo ông Phạm Khánh Hiệp, chuyên gia cà phê cho hay, đứng trên góc độ danh nghiệp thì khi thu 2 đô la Mỹ/tấn cà phê xuất khẩu sẽ ảnh hướng lớn tới lợi nhuận của các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo số liệu ông trích dẫn từ Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, trong chuỗi giá trị kinh doanh cà phê thì các nhà chế biến, xuất khẩu có tỷ suất lãi/chi phí thấp nhất 0,37%. Trong khi đó, các nhà rang, xay sản phẩm phổ thông và rang, xay sản phẩm cao cấp chiểm tỷ lệ rất cao, lần lượt đạt 32,62% và 45,86%. Nông dân trồng, thu hoạch, sơ chế có tỷ lệ lợi nhận ở mức 13,68%.

Với tỷ suất lợi nhuận thấp (0,37%), có thể thấy doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và hiện có tới 80% doanh nghiệp kinh doanh trong ngành cà phê đang thua lỗ. “Nếu các doanh nghiệp đang lỗ như vậy thì việc thu phí sẽ như một cổ hai, ba tròng”, ông Hiệp nhận xét.

Ngược lại với quan điểm của ông An, ông Hiệp cho hay, cần phải sử dụng đồng tiền này như thế nào để cải thiện cạnh tranh của ngành cà phê Việt Nam.

Nếu quỹ này tạo ra những điều có ích cho doanh nghiệp, như mướn các chuyên gia hoặc công ty tư vấn, sử dụng quỹ này mua thông tin thị trường của các chuyên gia phân tích có uy tín, đưa ra định hướng thị trường hàng tháng, hàng năm cho doanh nghiệp thì khi đó các doanh nghiệp sẽ thấy được lợi ích từ việc đóng phí.

Ngược lại, khi doanh nghiệp làm ăn có lời thì sẽ mua của nông dân với giá tốt hơn. Còn giờ các doanh nghiệp đang lỗ thì lấy cơ sở nào để mua tốt hơn? Đây là một tác động gián tiếp đến các hộ nông dân của quỹ bảo hiểm nếu dùng theo hình thức này.

Doanh nghiệp ngoại lũng đoạn ngành cà phê: Cần giám sát chặt

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp cà phê trong nước thay vì “kêu khóc” trước sự lấn át của các doanh nghiệp ngoại, cần tự mình chủ động đầu tư, mở rộng kinh doanh để cạnh tranh…

Xem thêm: Doanh nghiệp ngoại lũng đoạn cà phê Việt

Nên ra điều kiện với doanh nghiệp ngoại

Bà Phan Thị Thanh Minh- Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: “Theo luật, các DN FDI được quyền đầu tư kinh doanh, xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, nếu các cơ chế chính sách hiện hành bị các DN FDI “lách” chỗ nào, thì chúng ta cần phải chấn chỉnh chỗ ấy để tránh tình trạng các DN FDI cạnh tranh không lành mạnh. Tôi cho rằng, các DN VN nên tìm cách đầu tư, kinh doanh tốt hơn để cạnh tranh với DN FDI trong mua bán xuất khẩu cà phê”.

Thua mua cà phê

Đồng thời, Bộ Công Thương đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan, cùng các địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các DN nước ngoài trong việc mua, bán nguyên liệu trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Trong khi đó, TS Phạm Tất Thắng – chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng: “Việc DN nước ngoài được kinh doanh nông sản, trong đó có cà phê ở trong nước đã được cảnh báo từ rất lâu, kể từ khi VN mới gia nhập WTO, đó là chúng ta sẽ phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế ngay trên sân nhà.

Chính vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị đối phó với tình hình này như thế nào. DN nước ngoài được phép mua trực tiếp cà phê của dân nhưng mua với số lượng bao nhiêu, họ được đặt bao nhiêu điểm thu mua… là quyền của chúng ta”. Theo ông Thắng, có thể đặt điều kiện khi cho phép DN nước ngoài khi họ được mua trực tiếp nông sản của ta, đồng thời các địa phương cũng nên có quy định và thực hiện kiểm tra, giám sát việc này.

“Cần tự do cạnh tranh”

Đó là khẳng định của ông Vũ Quốc Tuấn – Trưởng phòng Truyền thông đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam về loạt bài mà Báo NTNN đã phản ánh. Ông Tuấn cho biết: “Thực tế, hiện Nestlé có nhà máy chế biến cà phê rang xay lớn nhất ở Việt Nam và Nestlé có quyền thu mua cà phê của dân để có nguyên liệu chế biến cho nhà máy, thế nhưng cho đến nay chúng tôi chưa hề mua trực tiếp một hạt cà phê nào của dân”.

[trichdan]Trung bình mỗi năm, Nestlé thu mua khoảng 250.000 tấn cà phê tại Việt Nam (chiếm 25% sản lượng) để phục vụ cho nhà máy rang xay của công ty.[/trichdan]Theo ông Tuấn, phương thức thu mua của Nestlé hiện nay là mua qua đại lý trung gian, có nghĩa là các đại lý nhỏ đi thu mua cà phê trong dân, sau đó họ bán cho đại lý cấp 1 và Nestlé chỉ mua qua đại lý cấp 1, các đại lý này cũng đều là các doanh nghiệp trong nước.

Về ý kiến, các công ty nước ngoài vào thu mua trực tiếp nguyên liệu có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến ngành cà phê Việt Nam, ông Tuấn nói: “Ở đây, có thể vì lý do nào khác, nên họ mới đưa vấn đề này lên thành một nguy cơ. Còn riêng về quan điểm của Nestlé là ủng hộ tự do cạnh tranh, điều này vừa thích hợp với các quy định của WTO, vừa đảm bảo tự do thị trường. Chứ còn chúng ta cứ quản lý theo kiểu bảo hộ các DN trong nước bằng biện pháp hành chính, thì không có hiệu quả”.

Ngành cà phê tại Tây Nguyên: Mất thêm hàng nghìn tỉ đồng vì giá xăng

Thông tin dầu diesel tăng giá từ 16 giờ ngày 7.3 đã khiến hàng trăm nghìn hộ nông dân và các doanh nghiệp trồng cà phê ở khắp Tây Nguyên lo lắng.

Giá dầu diesel tăng đã làm chi phí chống hạn cho cà phê tăng thêm 3.000 tỉ đồng trong vòng một năm qua. Ảnh: Đ.T.K

Ông Phan Hữu Nam – người trồng càphê ở xã Hòa Đông, Krông Pắc, Đắc Lắc – tính toán: “Chỉ trong vòng một năm nay, giá dầu diesel đã tăng liên tiếp từ 14.750 đồng/lít lên 21.400 đồng/lít, tổng cộng 2 lần tăng là 6.650 đồng/lít. Mỗi hécta cà phê cần tới 400 lít dầu mỗi năm, tính ra chi phí dầu tưới đã tăng thêm 2.660.000 đồng/ha trong vòng một năm qua”.

Hiện toàn vùng Tây Nguyên có 400.000ha cà phê, với nhu cầu tiêu thụ tới 444.000m3 dầu diesel/năm, chỉ riêng lần tăng giá này đã làm tăng thêm chi phí gần 500 tỉ đồng. Còn nếu so với thời điểm đầu năm 2011 thì giá dầu đã làm tăng thêm chi phí tưới cà phê của Tây Nguyên khoảng 3.000 tỉ đồng/năm. Trên thực tế, mức tăng còn lớn hơn nhiều do tác động của biến đổi khí hậu mà biểu hiện rõ nhất là nước mặt ngày càng cạn kiệt, nước ngầm chui sâu. Khảo sát của đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước 704 cho thấy, nước ngầm ở Tây Nguyên hiện đã sụt giảm từ 3 – 5m so với năm 2006 làm chi phí chống hạn tăng lên đáng kể.

Hiện giá thành sản xuất cà phê ở mức 25 triệu đồng/tấn, giá mua 39 triệu đồng/tấn, tính ra mỗi hécta đất trồng cà phê chỉ còn cho lợi nhuận khoảng 32 triệu đồng trong cả năm. Trong khi đó, giá trị 1ha cà phê kinh doanh khoảng 600 triệu đồng, nghĩa là mức lãi nói trên chỉ bằng một nửa lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Đặng Trung Kiên

Giá phân bón giảm mạnh

giá phân bónDo nhu cầu yếu, giá phân urê tại thị trường phía Nam hiện đã giảm 120.000 – 140.000 đồng/bao 50kg so với tháng 9/2011, Thanh Niên đưa tin.

Tại miền Bắc, tình hình kinh doanh xuất nhập khẩu phân bón qua cửa khẩu Lào Cai diễn biến chậm, nhu cầu tiêu thụ hầu như không có. Lượng hàng nhập khẩu chủ yếu là các hợp đồng nhỏ lẻ mặt hàng Amonium Sulphate (SA).

Giá các mặt hàng nhìn chung ở mức ổn định. Hoạt động tái xuất phân Diamino phosphate (DAP) nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra với mức giá 600-620 USD/tấn FOB. Hiện đang có nhiều thông tin giá DAP sẽ xuống khá mạnh, có thể mức giảm lên đến 100 USD/tấn nhưng vẫn không có người mua.

Tại thị trường phía Nam, nhu cầu tiêu thụ phân bón cũng rất chậm do đợt lũ lớn vừa rồi đã mang lại lượng phù sa dồi dào. Giá phân urê hiện đã giảm khoảng 120.000 – 140.000 đồng/bao 50 kg so với tháng 9/2011.

Theo ông Đỗ Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty phân bón Việt Mỹ, thị trường phân bón hiện nay ảm đạm chủ yếu do chịu ảnh hưởng từ giá thế giới khi giá thế giới đã giảm 50 – 70 USD/tấn và chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước cũng thấp do thời tiết.

Giá phân bón giảm mạnh nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phân bón đang chịu lỗ do đã nhập khẩu một lượng không nhỏ khi giá đang cao. Nhiều nhà nhập khẩu phải bán lỗ để thu hồi vốn.

Không thu phí, xuất khẩu cà phê sẽ tụt hạng?

Theo VICOFA, việc DN lo ngại không thu được phí với tất cả các DN XK cà phê là đúng, nhưng VICOFA đang thuyết phục từng DN thành viên và việc thu phí sẽ được thực thi với tất cả các DN XK cà phê.

Ngày 18.2, VICOFA đã tiếp tục họp tại Đăk Lăk về việc thu phí XK cà phê. Chủ tịch VICOFA – ông Lương Văn Tự thừa nhận, việc DN lo ngại không thu được phí với tất cả các DN XK cà phê là đúng, nhưng VICOFA đang thuyết phục từng DN thành viên và việc thu phí sẽ được VICOFA thực thi với tất cả các DN XK cà phê.

Bởi theo ông Tự, “nếu không thu phí này để đầu tư lại cho cây cà phê thì 10 năm nữa VN sẽ tụt xuống vị trí thứ 4-5 về sản xuất và XK cà phê”.

Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, để nâng năng suất cà phê lên 2,4 tấn/ha (hiện nay gần 2,1 tấn/ha), ngành cà phê phải đầu tư ít nhất 14.000 tỷ đồng để tái canh gần 180.000ha diện tích cà phê già cỗi, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông, điện… Tổng Công ty Cà phê VN (Vinacafe) cũng cho rằng, ngành cà phê cần nâng cao sản lượng cà phê hòa tan, cà phê rang xay từ 20.000 tấn/năm lên 100.000 tấn/năm trong thời gian tới. Để có vốn, ông Lương Văn Tự quả quyết phải tính đến việc thu phí XK. Được biết, hiện cả nước có khoảng 500.000ha cà phê, sản lượng XK hàng năm hơn 1 triệu tấn.

Số DN XK cà phê cả nước hiện là 150 DN, trong đó có 20 DN XK hàng đầu. VN hiện có khoảng 137.000ha cà phê (chiếm 27,4% diện tích) cần được tái canh trong 10 năm tới. Việc tổ chức sản xuất cho nông dân ngành cà phê đang trở nên bức thiết. Vì vậy, VICOFA sẽ quyết tâm thu Quỹ Bảo hiểm XK ngành hàng cà phê VN để hỗ trợ DN, nông dân khi thị trường có biến động, sản xuất bất lợi…

Mai Nguyễn

Chúc mừng sinh nhật Thịnh Còi 18-02-2012 !

sinh_nhat_thinh_coi

Thịnh còi thân thương của chú!

Nhân ngày vui này, chú có vài dòng chúc cháu luôn khỏe mạnh, có thêm nhiều nghị lực, nhiều quyết tâm hơn. Chú cũng chúc cho gia đình bé nhỏ thân thương của cháu luôn hạnh phúc, có thêm nhiều nụ cười hơn, nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống.

Hôm nay chú dành tặng cháu một món quà đặc biệt, hết sức bất ngờ mặc dầu cháu cũng biết rõ. Đó là ngày chú dành để khai sinh trang giatieu.com, một trang cho cộng đồng bà con nông dân trồng tiêu và những ai quan tâm đến hạt tiêu của Việt Nam. So với những cây trồng khác, tuy diện tích trồng tiêu của nước ta còn ít nhưng sản lượng hàng năm không hề nhỏ. Nhờ vào việc thâm canh và xen canh hết sức cần cù, chăm chỉ của bà con nông dân mà hạt tiêu Việt Nam đã vươn lên vị trí số 1 thế giới, góp phần cùng với cà phê, cao su, điều… khẳng định Việt Nam là cường quốc nông sản của thế giới ở thế kỷ XXI. Vui lắm chứ, tự hào lắm chứ. Trong niềm hân hoan ấy, chú muốn ngày sinh nhật hôm nay của cháu là một ngày có thêm ý nghĩa, và càng ý nghĩa hơn khi niềm vui riêng của cá nhân mình gắn liền với niềm vui của mỗi thành viên trong cộng đồng. Và như thế niềm vui sẽ là bất tận khi chúng ta biết chung vui với cộng đồng.

Chúc cháu mọi điều như cháu muốn nhân ngày sinh nhật năm nay.

Chú Vịnh, Cư Kuin, Đak Lak.

giatieu.com

giatieu.com

Thu quỹ bảo hiểm cà phê: Nông dân không được lợi, Doanh nghiệp phản đối

Đến thời điểm này, việc thu phí bảo hiểm cà phê của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) vẫn chưa thuyết phục về đối tượng thu, phương án sử dụng, hiệu quả…

Doanh nghiệp phản đối

Theo thông báo của VICOFA, từ ngày 1.10 sẽ tiến hành thu phí bảo hiểm cà phê với mức 2 USD/tấn, đối tượng phải nộp là các DN thành viên hiệp hội. Quỹ này sẽ dành khoảng 50 – 70% để hỗ trợ các DN và nông dân tái canh cà phê già cỗi, 30% hỗ trợ lãi vay tạm trữ cà phê, còn lại dùng để xúc tiến thương mại. Theo VICOFA, lẽ ra việc thu phí được tiến hành từ ngày 1.1.2012, song thời điểm đó rơi vào giữa vụ nên hoãn đến đầu niên vụ mới. Tuy nhiên, nhiều DN thành viên VICOFA đã phản đối chủ trương này.

Ông Phan Hùng Anh – Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh, doanh nghiệp đứng thứ 5 trong 153 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam trong năm 2011 cho biết: “Những năm gần đây, DN xuất khẩu cà phê trong nước gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phá sản hàng loạt nên việc thu phí bảo hiểm sẽ gây thêm khó khăn cho DN. Mặt khác, các DN ngoài hiệp hội, DN có vốn đầu tư nước ngoài thì không phải nộp khoản phí này, như vậy là bất bình đẳng”.

Không chỉ Công ty TNHH Anh Minh, nhiều DN nghiệp khác như Công ty Cà phê Đăk Man, Công ty Cà phê Đức Nguyên… cũng phản đối việc thu phí của VICOFA. Trong đó, Công ty Cà phê Đức Nguyên, Công ty TNHH Anh Minh và Công ty Cà phê Đăk Man đã có văn bản thông báo sẽ rút khỏi hiệp hội nếu những kiến nghị về việc thu phí bảo hiểm không được giải quyết rõ ràng. Một số DN còn cho rằng, việc thu phí và phương án sử dụng quỹ chưa có nhất trí của nhiều hội viên.

Nông dân chưa được lợi

Hiện các DN nước ngoài đang trực tiếp thu mua, xuất khẩu khoảng 50% sản lượng cà phê hàng năm của Việt Nam, các DN trong nước chỉ thu mua được khoảng 500.000 tấn/năm. Giả sử VICOFA thu phí bảo hiểm của tất cả các DN xuất khẩu cà phê trong nước, số tiền thu được cũng chỉ khoảng 10 tỷ đồng/năm. Nếu sử dụng vào các mục đích hỗ trợ tái canh, lãi vay tạm trữ, xúc tiến thương mại… thì số tiền này chỉ như muối bỏ bể.

Nông dân tái canh cà phê nếu có được hỗ trợ phân, giống cũng không đáng kể, còn nông dân trồng mới hoặc có cà phê đang kinh doanh bình thường lại càng không được gì. Riêng việc tạm trữ cà phê sẽ giúp tránh được tình trạng xuất khẩu ồ ạt khi giá thấp, đến lúc giá cao thì không còn hàng, song nếu giá lên thì lợi nhuận cũng thuộc về DN tạm trữ chứ không phải nông dân.

Chính vì vậy, hầu hết các DN xuất khẩu cà phê đều cho rằng, nên dùng quỹ này hỗ trợ nông dân khi giá cà phê xuống quá thấp, cách hỗ trợ tốt nhất là cộng vào giá mua.

Trao đổi với DânViệt, ông Lê Đức Thống – Trưởng ban Kiểm soát VICOFA cho biết: “Phương án sử dụng quỹ, đối tượng nộp quỹ mới chỉ là dự kiến, còn nhiều vấn đề phải tiếp tục bàn bạc. Ngoài ra, tất cả các DN xuất khẩu cà phê trong nước, ngoài nước đều phải nộp như nhau thì mới công bằng. Do vậy, VICOFA và Tổng công ty Cà phê Việt Nam đang bàn bạc, dự kiến sẽ trình Chính phủ có văn bản quy định cụ thể về việc này”.

Không thu lấy gì mà “ăn”?

Chủ tịch VICOFA ông Lương Văn Tự cho rằng “nếu không thu phí để đầu tư lại cho cây cà phê thì 10 năm nữa VN sẽ tụt xuống vị trí thứ 4-5 về sản xuất và XK cà phê”. Ông Tự nói: XK cà phê thực chất là “bán tài nguyên” do vậy nếu không thu phí từ XK cà phê để tái đầu tư cho cây phê thì DN lấy gì mà ăn?!

Mai Hương

Đừng biến nông dân thành nhà đầu cơ

Gần đây có nhiều thông tin nói rằng bà con Tây nguyên không ký gửi cà phê mà bắt đầu xây kho, găm hàng đầu cơ, chờ được giá cao mới bán. Chuyện này thực hư thế nào… báo Đại Biểu Nhân Dân ghi nhận chuyện này qua mục Sổ tay phóng viên.

> Chuyên đề : Đại ly vỡ nợ và chuyện ký gửi cà phê của nông dân

> Vụ cà phê gửi kho Inexim Dak Lak: Ai phải trả 188 tấn cà phê?

> Chuyên đề: Vụ tranh chấp 18.000 tấn cà phê gửi kho

Đã từ lâu, người dân Tây Nguyên hình thành một thói quen là sau thu hoạch, sản phẩm được ký gửi vào kho của các doanh nghiệp, các đại lý kinh doanh nông sản kiêm cung cấp vật tư phân bón. Ngoài việc có nơi tạm trữ sản phẩm, đại lý nông sản thực sự đã trở thành “bà đỡ” của nhà nông. Suy cho cùng, gửi đại lý cũng là để duy trì quan hệ với nguồn đầu tư cho nhà nông khi mà đối với họ, ngành ngân hàng còn quá nhiêu khê, thậm chí xa vời.

Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy việc gửi kho tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, nhất là những khi giá cả biến động mạnh. Cà phê gửi kho thường được bán ngay để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Khi giá cao, người gửi đến chốt giá thì bên nhận gửi không còn khả năng chi trả (nhưng nếu giá thấp thì bên nhận gửi ăn đủ). Hàng loạt doanh nghiệp cà phê phá sản (và có nhiều doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản, chỉ còn chờ ngày…) đều có nguồn gốc từ lối kinh doanh bán trước mua sau này.

 

Rủi ro thì ai cũng thấy nhãn tiền, điển hình như vụ 40 hộ dân gửi 188 tấn cà phê vào kho của Inexim (Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Đăk Lăk) tại huyện Đăk Min từ năm 1999-2000 đến nay dù đã qua hết tòa này tới tòa kia mà người dân gửi vẫn chưa lấy được. Kinh khủng hơn là vụ gửi chốt giá sau lên đến hơn 18.000 tấn cà phê, đã đưa ra tòa xử, rồi kháng cáo đến nay cũng vẫn chưa xong. Và hàng loạt công ty, doanh nghiệp bể nợ cà phê khắp Tây Nguyên với hàng ngàn tỷ đồng đều có liên quan đến chuyện ký gửi cà phê. Thêm vào đó, đa phần người trồng cà phê sống gắn liền với rẫy nương, nhà cửa cũng không được kiên cố, lại cách xa nhau nên chuyện xảy ra ở rẫy này mà rẫy bên cạnh có khi không hề biết. Kẻ gian rình mò gia chủ đi vắng, không có ai ở nhà đã đưa cả xe công nông vào chở trộm hàng tấn cà phê (có khi còn gây ra những vụ án mạng rất bi thảm). Bên cạnh còn có những chuyện đau lòng nữa là chính con cái trong nhà đua đòi ăn chơi trở thành kẻ trộm ngay chính trong nhà của mình. Vì thế, xây kho dự trữ ở nhà khi chưa có nhu cầu bán là lựa chọn hợp lý của nông dân Tây Nguyên hiện nay.

Gần đây, một số nông sản có giá trị xuất khẩu càng để đến cuối vụ giá càng tăng cao như hồ tiêu và mới nhất là cà phê tăng đến 40%. Điều này kích thích người nông dân cầm hàng lại không bán vội. Cho nên việc xây kho để dự trữ cùng lúc đáp ứng được nhiều nhu cầu của người trồng cà phê một cách thỏa đáng. Nhưng nói nông dân xây kho để dự trữ, để đầu cơ giá cao thì không đúng. Ai cũng biết khoảng 70% số nông hộ sản xuất cà phê có diện tích vài ha, trong đó số nông hộ có từ 1 ha trở xuống chiếm quá nửa. Với diện tích quản lý ít ỏi, trong khi đầu tư cho cây cà phê không hề nhỏ thì lợi nhuận đem lại cho nông hộ nếu không có thêm thu nhập khác (và cà phê không rớt giá) cũng chẳng đáng là bao và cuộc sống của họ thừa chật vật rồi, lấy đâu mà xây kho để đầu cơ.

Nhà nông chúng ta thường có tâm lý “bầy đàn”. Những khi nông sản được giá, xin đừng hô hào ca ngợi là họ biết cầm hàng đợi giá, là chủ động điều tiết thị trường, là đẩy giá lên cao… Bài học về hạt điều vừa qua đã quá đủ. Chúng ta vô tình  kích thích biến nông dân thành nhà đầu cơ trong khi thị trường tiềm ẩn những biến động khó lường mà ngay cả những nhà kinh tế sừng sỏ trên thế giới thành công hay thất bại trong kinh doanh chỉ là trong nháy mắt.

Theo Anh Văn

Báo Đại Biểu Nhân Dân

Chưa cần hỗ trợ giá cho cà phê

Thu hoạch cà phêTrong thời gian qua, giá một số mặt hàng nông sản như điều, cà phê liên tục giảm giá, những người trong ngành giải thích là do cung cầu, người thì cho là đầu cơ, còn cơ quan chức năng khẳng định khi nào giá thấp hơn giá thành sản xuất mới có đề xuất chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để mua vào.

Giải thích về việc giá cà phê liên tục giảm giá kể từ trước Tết nguyên đán đến nay, ông Nguyễn Việt Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, giá cà phê lên đỉnh điểm trong năm 2011 và nay giá giảm xuống cũng là chuyện bình thường.

“Thời gian qua, giá cà phê trên thị trường Việt Nam biến động không phải do quan hệ cung cầu, mà do sự đầu cơ của các nhà giao dịch nước ngoài trên sàn giao dịch hàng hóa”, ông Vinh cho hay.

Theo Vicofa, hiện Việt Nam xuất khoảng 100.000 tấn/tháng. Đây là số lượng cà phê mà phía Việt Nam chủ động bán ra để phần nào cố gắng điều tiết giá cà phê trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, ý định đó chưa được như mong muốn thì giá cà phê lại có xu hướng giảm thay vì tăng giá như dự định.

Ông Nguyễn Văn Tân phụ trách mảng cà phê, chè của Công ty cổ phần Giám định Cà phê và Hàng hóa xuất nhập khẩu (Cafecontrol) cho biết, những năm trước người dân thường bán hết cà phê sau khi thu hoạch xong nhưng năm nay nhà nào cũng xây dựng một kho dự trữ cà phê nhân tại nhà và chỉ bán khi thấy giá ở mức cao.

“Hiện người dân đang ứng dụng lý thuyết cung cầu để cố gắng đẩy giá cà phê lên, họ làm trong khả năng của họ. Còn nếu ai đó nói giá cà phê hiện nay đang bị đầu cơ thao túng và giá không phụ thuộc vào cung cầu, thì việc này ngoài tầm kiểm soát của người dân”, ông Tân nói.

Đối với mặt hàng điều nhân, tình hình cũng không khá hơn, khi từ cuối năm 2011 đến nay giá liên tục giảm và Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cũng chẳng biết phải làm gì để vực giá lên.

Theo Vinacas, do ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ công ở châu Âu, nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm điều trên thị trường thế giới giảm từ cuối năm 2011 nên ảnh hưởng đến khả năng mua điều thô của doanh nghiệp.

Trước tình hình này, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chế biến, Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối cho biết, giá cà phê hiện giảm so với thời kỳ giá đạt mức kỷ lục (hơn 50.000 đồng/ kg), nhưng ở mức giá này người trồng cà phê đã có lời.

Còn với mặt hàng hạt điều nhân, giá cũng đang giảm nên gây khó khăn cho những doanh nghiệp nào nhập khẩu điều thô với giá cao. Nhưng nhìn chung thì chưa có doanh nghiệp xuất khẩu điều nào của Việt Nam kêu khó cả.

“Chúng tôi chỉ đưa ra những chính sách hỗ trợ nếu giá mặt hàng điều, cà phê hay bất cứ mặt hàng nông sản nào của Việt Nam khi có giá bán trên thị trường thấp hơn giá thành sản xuất, nhằm đảo bảo an sinh xã hội và phù hợp với những cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới”, ông Hòa nói.

Trước khả năng không được hỗ trợ lãi suất để mua cà phê, nhiều doanh nghiệp đã đồng ý với đề xuất của Vicofa là trích ra 2 đô la Mỹ trên một tấn cà phê xuất khẩu để cùng thành lập quỹ bảo hiểm xuất khẩu. Số tiền này, Vicofa sẽ dùng vào việc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp khi vay tiền từ ngân hàng để mua cà phê tạm trữ.

Đối với điều, Vinacas cho biết hiện lượng điều nhân tồn kho của các thị trường đang ở mức thấp và bắt buộc những nước này phải đẩy mạnh mua vào từ quí 2/2012, do đó, giá điều sẽ tăng trở lại từ thời điểm này.

Tuy nhiên, Vinacas cũng cảnh báo là do yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu ngày càng cao, nên doanh nghiệp cần chú ý nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm khi xuất đi vì nơi nào có yêu cầu cao thì giá mua cũng cao hơn.

Ngày 31-1, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang ở mức 36.700- 37.000 đồng/kg, giảm 700 đồng/kg so với ngày 30-1, giảm khoảng 1.400 đồng/kg so với trước tết.

Theo chuyên gia cà phê Nguyễn Quang Bình, giá cà phê giảm là do sức ép từ Brazil khi Bộ Nông nghiệp nước này cho biết từ tháng 2-2012, sẽ bán ra 1,4 triệu bao arabica (loại 60kg) tồn kho của năm 2009. Theo đó, mỗi tuần quốc gia đứng đầu về sản xuất cà phê này sẽ bán ra khoảng 50.000 bao.

Theo ông Bình, những tín hiệu trên xảy ra cho thị trường arabica, song cà phê robusta chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng vì mối liên thông “anh em” của hai thị trường; giá cà phê arabica thường là đầu tàu kéo giá cà phê robusta. Như vậy, thời gian tới thị trường cà phê sẽ tiềm ẩn những bất ổn về giá.

Chuyên gia WB: Nông dân Việt Nam chưa được hưởng sự giàu có

Một trong những sự kiện nóng trong năm 2011 là chuyện tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng nông nghiệp ít được nhắc đến. Tiền Phong trao đổi với điều phối viên Phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Steven Jaffee, về vấn đề phát triển nông nghiệp tại Việt Nam.

> Đưa cà phê vào mặt hàng xuất khẩu có điều kiện.
> Xuất khẩu cà phê có điều kiện, một đề xuất chưa hợp lý.

Ông Steven Jaffee: “Nông dân Việt Nam cần phải bán ra các sản phẩm có giá trị cao hơn”.

Ông nghĩ gì về mục tiêu chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn của Việt Nam?

Thú thật là tôi thấy băn khoăn khi biết Việt Nam sẽ giảm lao động làm nghề nông từ 62% hiện nay xuống còn 30% vào năm 2020, theo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội quốc gia đến năm 2020. Là một nước có nền tảng là kinh tế nông nghiệp, tôi băn khoăn là với thiết kế 30% đó, số người còn lại sẽ đi đâu?

Bởi trong 10 năm tới, khi lương nhân công ở Việt Nam tăng lên, thì các công ty làm về may mặc hoặc da giày sẽ chuyển tới Campuchia, Myanmar hoặc Lào. Liệu rằng trong 10 năm tới, Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao như chip máy tính chưa?

Ý ông là nông nghiệp vẫn sẽ là thế mạnh của Việt Nam?

Việt Nam có truyền thống làm nông nghiệp, nhưng hiện nay, so với các nước láng giềng, giá trị gia tăng trong lĩnh vực này rất thấp, tính trên đầu người rất thấp, không chỉ so với Thái Lan, Trung Quốc, Philippines mà thậm chí so với cả Campuchia. Bởi phần lớn đất đai của Việt Nam là dành cho lúa gạo, là loại hàng có giá trị thấp.

Nhưng Việt Nam vẫn đang là nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới về gạo?

Nông dân vẫn phải làm việc vất vả.

Đúng là Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, thứ hai về cà phê, thứ 5 về chè, thứ nhất về tiêu đen… Mặc dù vậy, hãy suy xét một chút. Nếu như hầu hết gạo của Thái Lan xuất với giá 700 – 800 USD/tấn, thì gạo của Việt Nam lại chỉ có giá 300 – 400 USD.
Dù sản lượng gạo của Việt Nam rất cao nhưng nông dân Thái vẫn giàu có hơn nông dân Việt Nam. Họ có những nông trang lớn, phương thức canh tác khác nên giá trị tăng thêm cũng cao hơn.

Gạo của Việt Nam hầu hết được bán cho khách hàng là các tổ chức công ở Philippines, Indonesia, dành cho các chương trình phân phối cho người có thu nhập thấp, có bao cấp của Chính phủ. Đó không phải là khách hàng.

Những người muốn mua gạo của Việt Nam không phải là khách hàng giàu có; họ thích gạo của Thái Lan, Pakistan, Indonesia hơn. Nên Việt Nam không xuất gạo sang các thị trường như Đức, Mỹ. Họ sẵn sàng trả hàng ngàn USD cho một tấn gạo, còn Việt Nam chỉ xuất loại 400 USD cho Philippines, Indonesia, Iraq, Cuba…

Tôi muốn nói rằng, khi còn là một nước có thu nhập thấp, Việt Nam đã làm tốt việc xuất khẩu gạo (giá thấp). Nhưng hiện nay, các bạn đã là nước có thu nhập trung bình, thì nông dân cần phải bán ra các sản phẩm có giá trị cao hơn, xứng đáng với công sức, với số đất đai, nước…đã bỏ ra.

Vậy Việt Nam cần phải thay đổi thế nào, theo ông?

Không chỉ riêng với gạo, thủy sản cũng thế. Vấn đề là xuất khẩu một con cá thôi, chứ không cần xuất đến 2 triệu tấn. Là nhà xuất khẩu lớn về số lượng không cần thiết là điều tốt, vì nó tiêu hao nhiều tài nguyên như đất, nước, công sức. Các bạn phải tạo ra giá trị cao cho các sản phẩm
của mình.

Vì sao Việt Nam chưa làm được điều đó?

Tôi rất ngạc nhiên là tại sao vốn đầu tư nước ngoài FDI vào nông nghiệp Việt Nam lại ít ỏi như vậy. Có thể là do ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều công ty Nhà nước, họ can dự ở nhiều lĩnh vực và khiến các nhà đầu tư nước ngoài không biết “luật chơi” là gì, khiến khu vực tư nhân băn khoăn, làm sao họ có thể cạnh tranh.

Thứ hai, nông nghiệp Việt Nam không có điều kiện để làm những điền trang lớn (diện tích bị chia cắt thành các khoảnh nhỏ). Các nhà đầu tư khó có thể làm việc với hàng ngàn nông dân được. Chẳng hạn như ở Thái Lan, Campuchia, họ có những thửa rộng hàng ngàn hecta.

Trở lại câu chuyện nhân lực ngành nông nghiệp, theo ông, Việt Nam cần có định hướng như thế nào?

Lực lượng lao động dồi dào của các bạn có thể giúp tạo ra hàng hóa nông thủy sản có giá trị cao. Chẳng hạn, họ tham gia chuỗi nhà máy chế biến hoặc hệ thống dịch vụ phân phối nông sản. Đó là nơi Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển.

Hiện Việt Nam vẫn là nguồn xuất thô nhiều nguyên liệu, chứ ít thấy sản phẩm Made in Vietnam. Việt Nam có nhiều tre nhưng lợi nhuận lại được làm ra ở Trung Quốc. Họ nhập tre và làm ra các sản phẩm có giá trị cao.

Họ nhập sắn từ Việt Nam để chế biến thức ăn chăn nuôi… Nhiều loại nguyên liệu khác cũng vậy. Nếu không có đầu tư thì Việt Nam mãi chỉ là nơi cung cấp nguyên liệu thô và lợi nhuận được tạo ra ở những nơi khác.

Và ấn tượng của tôi với nông thôn Việt Nam là người nông dân không được hưởng thụ sự giàu có từ công việc của mình và họ vẫn phải làm việc rất vất vả.

Cảm ơn ông !

Sớ Táo Quân Y5Cafe

tao_quan_y5cafe

Muôn tâu Ngọc Đế.

Thần là Táo Quân Y5 Cafe.
Kính cẩn rập đầu tung hô vạn tuế.

Năm nay Thần đến hơi trễ, bởi đổ nhầm xăng dỏm, nên xế vừa bị nổ bốc cháy đùng đùng.
Tinh thần có hơi hoảng loạn, nên chữ nghĩa lung tung, mong lượng hải hà lỡ điều chi thất lễ.

Dám thưa thiệt ngành cà phê của Thần trong năm Mão cũng có lắm trò mèo.
Không dám láo nghiệp nông dân bạn với trùn khó mong thành Rồng trong năm tới.

Thật gian truân lắm đỗi,
Cái kiếp bạn nông dân.

Cả năm quần quật vun xới với đống phân thật giả nhập nhằng.
Cuối vụ lận đận lo toan chống trộm tuốt cả cành lẫn trái.

Đổ cà phê ra sân phơi rồi,
Mà vẫn còn bao điều kinh hãi.

Bởi trên trời Thiên lôi sấm chớp ầm ầm, mưa dai dẳng cuối năm chưa dứt hạt.
Vì dưới đất Cô hồn tác quái rình mò, kiên nhẫn chờ bà con lơi cảnh giác.

Đó vẫn là chuyện nhỏ trước tình hình lạm phát, khi mọi thứ cứ tăng vài chục phần trăm.
Nỗi khổ của nông dân còn thêm bị băm vằm, bởi hàng gởi nhầm công ty sắp tẩu tán.

Cổ thấp trời cao,
Thiên địa trùng trùng.

Lắm phí sắp thu,
Khắp nơi ca thán.

Nhìn ra thế giới: thăm thẳm mịt mùng, chẳng biết khi mô nhờ Niu óoc.
Ngoái lại Châu Âu: tối đen như mực, không rõ bao giờ cậy Luân đôn.

Cầm cự một năm chưa hoàn hết thần hồn vì còn đợi ngân hàng hỏi tới.
Chống đỡ bao phen vẫn phận cò vóc hạc bởi mãi chờ ơn trên mưa móc.

Kiến nghị:

Chắp tay xin Ngọc hoàng can thiệp, giảm khoán tô cho công nhân liên kết, đang dở mếu dở khóc như ri !
Cúi đầu kính Bắc Đẩu Nam Tào, bớt tham quan du ngoạn khắp đó đây, để khỏi cậy Hải quan thu phí.

Được như thế thì Nông dân sẽ thờ phụng đường hoàng.
Mà Táo Cà phê cũng có ngày nở mày nở mặt

Chăn dân gốc rễ ngàn đời.
Rập đầu run run thượng sớ.

Táo Y5Cafe

 

Doanh nghiệp phản ứng với thu phí cà phê

Theo một nguồn tin từ Tổng cục Hải Quan, một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đã phản ứng mạnh vớí việc thu phí bảo hiểm xuất khẩu cà phê 2 USD/tấn thông qua hải quan.

Xem thêm: > Đề xuất thành lập quỹ bảo hiểm cà phê

Việc thu phí được thực hiện theo thông báo số 196 của Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (Vicofa) đối với các hội viên kể từ ngày 1.1.2012.

Trong một văn bản mới nhất gửi Tổng cục Hải Quan, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê Đức Nguyên cho rằng, việc thu phí như trên sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các công ty xuất khẩu cà phê là thành viên của Vicofa với những công ty xuất khẩu cà phê không là hội viên của hiệp hội này và những công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Lại nóng… chuyện vỡ nợ cà phê

Khoảng 3 năm trở lại đây, Dak Lak “nóng” lên tình trạng các doanh nghiệp, đại lý thu mua và nhận ký gửi cà phê liên tiếp tuyên bố phá sản, xù nợ của người ký gửi cà phê khiến tâm lý người dân hoang mang, doanh nghiệp kinh doanh cà phê chân chính thì gặp không ít khó khăn…

> Ký gửi cà phê: rủi ro đeo bám nông dân
> Vì sao nông dân phải gửi cà phê cho đại lý?

Liên tục vỡ nợ cà phê

Ký gửi cà phê, là hình thức mua bán cà phê trả chậm giữa người dân với các đại lý, doanh nghiệp theo hình thức thỏa thuận chốt giá xuất hiện hàng chục năm nay. Các cơ sở thu mua cà phê thường có vốn lớn, kho bãi chứa rộng, được người dân tin tưởng đưa cà phê đến ký gửi, mượn kho để tạm trữ và lựa chọn thời điểm giá có lợi nhất để bán. Tuy nhiên, cũng từ hình thức ký gửi này, những năm gần đây đã xảy ra tình trạng các đại lý, doanh nghiệp xù nợ, tuyên bố phá sản và nhiều trường hợp bỏ trốn khỏi địa bàn, khiến hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh trắng tay.


Người dân bán cà phê cho đại lý tại phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ.

Theo báo cáo của Sở Công thương Dak Lak, niên vụ cà phê 2009 – 2010, đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra trên toàn tỉnh, phát hiện 24 doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh) và đại lý mua bán nông sản ngừng hoạt động kinh doanh do làm ăn thua lỗ, vỡ nợ. Trong đó có 14 cơ sở nhận ký gửi cà phê đang nợ của người dân tổng số 1.788 tấn cà phê (trị giá gần 50 tỷ đồng) và khoảng 37 tỷ đồng tiền mặt. Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân (DNTT) Hai Thận (huyện Ea H’leo) xù 352 tấn cà phê nhân, DNTN Chung Đạo, đại lý Tám Loan (thị xã Buôn Hồ) chiếm đoạt 390 tấn cà phê nhân, cơ sở Tâm Hiền (huyện Cư M’gar) nợ 228 tấn cà phê nhân…

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thống kê chưa đầy đủ, trên thực tế thì số con nợ (cà phê và tiền) của người dân còn nhiều hơn và đang tiếp tục nối dài. Huyện Ea H’leo, niên vụ cà phê năm 2011- 2012 này cũng xảy ra nhiều trường hợp như vậy. Ông Nguyễn Xuân Hương, Trưởng Phòng kinh tế- hạ tầng huyện Ea H’leo cho biết: gần đây, tại địa bàn huyện mới thống kê có 10 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vỡ nợ cà phê, trong đó 6 cơ sở đóng cửa, 4 cơ sở bị cơ quan thuế thu hồi hóa đơn thuế VAT. Tổng số nợ ngân hàng, người dân, và nợ thuế của 10 cơ sở kinh doanh này lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tại thị xã Buôn Hồ, dư âm của các vụ vỡ nợ cà phê những năm trước còn chưa được giải quyết dứt điểm thì niên vụ này đã xuất hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh cà phê xù nợ như Công ty TNHH cà phê Tân Trường Nguyên, Công ty TNHH thương mại Trúc Tâm, DNTN Tính Nên, các đại lý Phương Thành, Lan Lương, Hà Thị Vui…

Ông Phạm Dương Thanh, Chủ tịch UBND phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ chia sẻ: trên địa bàn vừa qua xảy ra việc người dân kéo đến một số cơ sở kinh doanh cà phê để đòi nợ, xiết tài sản gây mất trật tự an ninh; địa phương phải huy động lực lượng công an đến giải quyết, hòa giải; đồng thời giải thích cho bà con hiểu và làm đúng pháp luật như gửi đơn trình báo, tố cáo đến các cơ quan chức năng để được giải quyết thỏa đáng. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp chủ DNTN Trúc Tâm đã thanh lý chui hết tài sản và bỏ trốn khỏi địa bàn, gây nên cảnh trắng tay cho nhiều hộ dân ký gửi cà phê…

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương Dak Lak cho hay: vừa qua, Sở này đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp xây dựng quy định cụ thể về hoạt động ký gửi cà phê trên địa bàn tỉnh. Đối với các huyện có diện tích cà phê lớn như Cư M’gar, Krông Buk, Krông Năng, Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ thì đề nghị cho Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột xây dựng hệ thống kho bãi chứa bảo đảm để người dân ký gửi thuận tiện và an toàn, được ứng vốn với lãi suất hợp lý. Đây là các giải pháp quan trọng nhằm từng bước ổn định, lành mạnh hóa thị trường cà phê nội địa vốn đang bất ổn”.

Người dân lo lắng, doanh nghiệp gặp khó

Trước thực trạng vỡ nợ cà phê như đã nói trên, giờ đây tâm lý người trồng cà phê đang rất hoang mang, lo lắng; không ít hộ dân thu hoạch mùa vụ xong còn “găm hàng” ở nhà đợi giá cà phê lên mới bán.

Anh Đinh Văn Linh, trú ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng cho biết: hiện giá cà phê xuống quá thấp (36.000 đồng/kg cà phê nhân so với năm ngoái là 52.000 đồng/kg) nên anh chưa muốn bán. Song, để cà phê nhân ở nhà không có kho chứa bảo đảm nên dễ bị ẩm mốc, chất lượng giảm, sẽ khó bán, mà đưa ra đại lý để ký gửi thì sợ họ xù mất.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều gia đình như hộ vợ chồng chị Lê Thị Lan, ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, đã đưa cà phê đi ký gửi nhưng vẫn không khỏi băn khoăn, thấp thỏm. Chị Lan tâm sự: gia đình tôi đã ký gửi 5 tấn cà phê nhân tại một doanh nghiệp thu mua cà phê trên địa bàn từ đầu mùa vụ (khoảng tháng 11) để đợi giá cà phê tăng mới bán. Khi nhận ký gửi cà phê, các doanh nghiệp thu mua đều có giấy biên nhận đầy đủ, đồng thời là chỗ quen biết nên cũng đành phải… tin tưởng.

Còn đối với các doanh nghiệp, đại lý thu mua và nhận ký gửi cà phê cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Anh Trần Anh Dũng, chủ DNTN TM Dũng Ngân, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ cho biết từ những vụ việc vỡ nợ cà phê diễn ra tràn lan trong thời gian qua, đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay. Do tâm lý lo sợ nên người dân không ồ ạt bán hàng hay ký gửi cà phê nhiều như những năm trước nữa, chưa kể việc nhiều hộ vay tiền trước của doanh nghiệp (đến mùa vụ trả bằng cà phê) vẫn còn “găm” cà phê ở nhà nên doanh nghiệp khó khăn trong việc thu hồi vốn.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm hoạt động kinh doanh mặt hàng nông sản từ 10 năm nay, anh Dũng khẳng định: doanh nghiệp thu mua nông sản là khâu giao dịch trung gian giữa người dân và công ty chế biến, xuất khẩu cà phê nhân. Với hình thức thu mua và chốt giá bán trong ngày cho các công ty mẹ để lấy hoa hồng và lãi suất khi mua của người dân thì không thể vỡ nợ ồ ạt như vậy được, trừ khi doanh nghiệp đó lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người ký gửi mà thôi.

Hoạt động mua bán tuy có giảm song, các điểm thu mua cà phê vẫn là điểm cần đến của dân. Anh Châu Phúc, chủ đại lý thu mua nông sản tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pak cho hay: so với những năm trước thì việc thu mua cà phê nhân hiện nay có giảm hơn rất nhiều, song mỗi ngày đại lý của anh vẫn thu mua được từ 1,5- 2 tấn cà phê nhân. Anh chia sẻ: bà con đến ký gửi cà phê từ đầu mùa vụ đến nay giảm hẳn; nhiều hộ có tâm lý lo ngại nên đã đến chốt giá nhận tiền, chỉ còn lại số lượng ít, gia đình nhiều nhất cũng chỉ ký gửi từ 3- 5 tấn cà phê nhân, trị giá cao nhất gần 200 triệu đồng/hộ.

Khởi kiện đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Ngày 8-1, luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn – trưởng Văn phòng luật sư Phạm và liên danh (Hà Nội), đơn vị được UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột ủy quyền – cho biết mọi thủ tục khởi kiện đối với Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee (Trung Quốc) đã hoàn tất.

Trước đó Văn phòng luật sư Phạm và liên danh, qua một công ty luật phía Trung Quốc, đã gửi thư đề nghị công ty này nhượng lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột với giá dưới 8.000 USD để tránh khiếu kiện kéo dài giữa hai bên.

Tuy nhiên sau đó công ty này ra mức giá quá cao nên Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột và UBND tỉnh Đắk Lắk không đồng ý thương lượng nữa mà tiến hành khởi kiện để đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Cũng theo ông Toàn, việc khởi kiện có thể kéo dài 2-3 năm nhưng với cơ sở pháp lý hiện hữu thì phần thắng của UBND tỉnh Đắk Lắk tại vụ kiện này là rất lớn.

Chuẩn bị thông qua kế hoạch tạm trữ 300.000 tấn cà phê

tạm trữ cà phêHiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết Chính phủ chuẩn bị thông qua kế hoạch tạm trữ 300.000 tấn cà phê do hiệp hội đề xuất, trái với thông tin từ các hãng tin nước ngoài cho rằng nhiều khả năng Chính phủ không chấp thuận kế hoạch này.

Các hãng tin nước ngoài cho rằng giá cà phê trên thị trường trong nước giảm 1,8 triệu đồng/tấn trong hai ngày 5 và 6-1 là do người trồng cà phê bán ra một lượng lớn để có tiền mua sắm vào dịp Tết Nhâm Thìn 2012 sắp tới. Ngoài ra, việc không rõ ràng trong kế hoạch mua tạm trữ 300.000 tấn cà phê đã đẩy giá cà phê tụt dốc.

Kế hoạch tạm trữ 300.000 tấn cà phê đã được Vicofa đưa ra từ tháng đầu 8-2011 và bắt đầu thu mua từ tháng 10-2011, lúc người dân bắt đầu thu hoạch cà phê của niên vụ 2011/12.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Tổng thư ký Vicofa Nguyễn Viết Vinh cho biết, việc giá cà phê giảm trong vài ngày qua chỉ là nhất thời và dự báo giá sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.

Theo ông Vinh, cà phê là một mặt hàng khá nhạy cảm về giá trên thị trường nên một số nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng vào đó để đưa ra những thông tin bất lợi nhằm kéo giá cà phê xuống thấp để mua vào.

Vicofa cho biết, Việt Nam là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới nên giá cả trên thị trường ít nhiều phụ thuộc vào lượng cung từ Việt Nam.

Thêm vào đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thông qua kế hoạch tái canh 160.000 héc ta cà phê trên 20 năm tuổi. Vì thế, trong một vài năm tới, lượng cà phê robusta mà Việt Nam xuất khẩu chỉ ở mức dưới 1 triệu tấn/niên vụ trong khi theo dự báo của Tổ chức cà phê thế giới (ICO) nhu cầu tiêu thụ cà phê của thế giới không giảm mà có xu hướng tăng, nên giá cà phê chỉ có tăng mà không giảm.

Mặc dù giá liên tiếp giảm trong vài ngày qua nhưng trên một số diễn đàn về cà phê nhiều thành viên của các diễn đàn này tin rằng, mức giảm này chỉ có dấu hiệu nhất thời và hy vọng sau Tết Nhâm thìn thì giá cà phê sẽ tăng trở lại.

Các công ty phân tích thị trường nước ngoài cũng đưa ra mức dự báo giá cà phê Việt Nam sẽ tăng từ 10-15% vào cuối tháng 1, đầu tháng 2-2012 (tức là thời gian sau Tết Nhâm thìn 2012).
Theo Vicofa, để tránh trường hợp chỉ đến tháng 4, tháng 5 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đã bán hết cà phê nên niên vụ cà phê 2011/12 nhiều doanh nghiệp đồng ý mỗi tháng Việt Nam chỉ bán khoảng 100.000 tấn. Trong hai tháng cuối năm 2011, Việt Nam mới ký hợp đồng bán khoảng 150.000 tấn cà phê.