Vẫn chưa tìm được lối ra cho hạt cà phê

Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) chiều tối ngày 2-7 đã họp kín tại TPHCM để tìm giải pháp hỗ trợ các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt qua khó khăn do giá xuất khẩu đang xuống quá thấp. Nhưng nhiều doanh nghiệp hội viên sau cuộc họp đã cho biết, vẫn chưa tìm được lối ra.

Hạt cà phê Việt nam đang lận đận

Một doanh nghiệp hội viên không muốn nêu tên, cho biết chủ trì cuộc họp là ông Lương Văn Tự, Chủ tịch hiệp hội, đã đưa ra bàn ba giải pháp cứu các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang thua lỗ nặng do giá xuất khẩu cà phê xuống còn 1.200 – 1.250 đô la Mỹ/tấn, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

– Một là tìm cơ chế làm sao để khống chế không cho 12 nhà nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam hiện nay thao túng thị trường như họ đã từng làm thời gian qua.

– Hai là khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên cần xem xét lại phương thức ký hợp đồng xuất khẩu. Hiện nay, có tình trạng ngay từ đầu vụ nhiều nhà xuất khẩu lớn đã ký hợp đồng giao xa.

Ví dụ, theo nhiều doanh nghiệp hội viên cho biết, ngay từ đầu vụ cà phê 2008/2009 bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái, các hợp đồng giao xa đã chiếm tới 40% sản lượng.

– Ba là đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét bỏ 5% thuế giá trị gia tăng cho hoạt động mua bán cà phê của doanh nghiệp.

Theo doanh nghiệp hội viên này thì cuộc họp không bàn tới đề xuất tạm hoãn xuất khẩu cà phê như thông tin báo chí đăng tải và cho rằng do chủ tịch Vicofa Lương Văn Tự đề xuất.

Trước đó, hồi đầu tuần, ông Tự trả lời phỏng vấn một tờ báo, cho rằng giá cà phê giảm mạnh là do tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường, hoàn toàn không tuân theo quy luật cung cầu và trong suốt tháng 5, họ tung tin giá cà phê sẽ tăng đột biến, khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam đua nhau đầu cơ tích trữ. Nhiều doanh nghiệp vay “nóng” tiền vốn trong ngắn hạn để mua cà phê, nay chịu áp lực buộc phải bán ra thu hồi vốn để trả nợ.

Theo thống kê của Vicofa, sản lượng thu hoạch cà phê của cả nước năm nay khoảng 1 triệu tấn nhưng đến đầu tháng 7, các doanh nghiệp đã xuất bán 680.000 tấn, lượng tồn kho còn lại không đủ cung ứng cho các hợp đồng đã ký giao xa của các doanh nghiệp.

Hồng Văn thực hiện
Nguồn: SGTimes

Kinh doanh cà phê lỗ: do mạnh ai nấy làm

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam cần phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, tìm kiếm một biện pháp tối ưu nhằm mục đích trước mắt là cứu lỗ là thông điệp mà ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại trong những ngày qua.


“Giới đầu cơ đang lũng đoạn thị trường cà phê”


Theo ông Tự, trong thời gian qua, do bị giới đầu cơ lũng đoạn thị trường khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam lâm vào cảnh thua lỗ từ 3 – 4 triệu đồng/tấn, nhiều doanh nghiệp hiện có trong tay hàng chục ngàn tấn cà phê thì số tiền mất đi là rất lớn.

Có thể khẳng định một điều là giá cà phê trong thời gian qua không còn tuân theo quy luật cung cầu nữa mà đang bị giới đầu cơ lũng đoạn. Tại sao? Bởi sản lượng cà phê thực tế không còn nhiều. Sản lượng cà phê niên vụ 2008- 2009 của Việt Nam đạt 960.000 tấn, qua 6 tháng đầu năm đã bán đươc trên 2/3 số đó.

Theo ông Tự cho biết, lượng cà phê còn lại của Việt Nam chỉ từ 220.000 đến gần 300.000 tấn thì chưa đủ để xuất theo các hợp đồng đã ký đến thời điểm này. Trong khi đó, hầu hết sản lượng cà phê của Việt Nam được bán qua khâu trung gian cho các nhà đầu cơ nước ngoài (hiện có tổng cộng 12 doanh nghiệp nước ngoài đang thu mua cà phê ở Việt Nam) chứ mới chỉ có lèo tèo vài doanh nghiệp tham gia giao dịch trực tiếp trên thị trường LIFFE (Luân Đôn) với số lượng vài ba lô hàng.

Do bán qua khâu trung gian và xử lý thông tin kém, cộng thêm thiếu tính liên kết nên hồi đầu tháng 6 vừa qua, các nhà đầu cơ đã tung tin rằng giá cà phê sẽ tăng đột biến vào cuối tháng do khan hiếm hàng khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam đua nhau đầu cơ tích trữ, mạnh ai nấy làm. Ai có tiền bao nhiêu tiền đem ra mua hết, người không có tiền cũng chạy đôn, chạy đáo vay “nóng” để mua cà phê tích trữ.

Chỉ sau một thời gian ngắn, khi các Quỹ đầu cơ ngừng mua vào thì họ lại tung tin giá cà phê sẽ giảm mạnh trong thời gian tới đã làm nhiều doanh nghiệp Việt Nam “chới với”, sợ lỗ nên bán túng, bán tháo để trả nợ. Tại sao đã qua mấy chục năm kinh nghiệm trong buôn bán, kinh doanh cà phê và đã đưa Việt Nam lên vị trí số 2 thế giới về xuất khẩu cà phê mà vẫn còn một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn như là “con rối” trong tay của các nhà đầu cơ? Câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Đến nay, số lượng cà phê còn lại của niên vụ vừa qua chưa đáp ứng đủ số lượng hợp đồng đã ký với khách hàng, nhưng ngặt nỗi hầu hết số hàng này đang bị “kẹt” ở trong dân. Doanh nghiệp cũng chỉ là người mua đi, bán lại còn người quyết định đầu cung vẫn là người nông dân. Đây cũng là một cái khó nữa khiến các doanh nghiệp Việt Nam vì thiếu khả năng tài chính và cung cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Giá thấp thì người dân và các đại lý nhỏ găm hàng không bán, giá cao thì doanh nghiệp thua lỗ. Đó cũng là một nghịch lý.

Trước tình cảnh khó khăn trong kinh doanh cà phê hiện nay, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đang kiến nghị Nhà nước mua tích trữ cà phê hàng năm để tránh rủi ro cho thị trường. Nhưng trước hết là khuyến cáo các doanh nghiệp bốn vấn đề chính sau đây: Thứ nhất, các doanh nghiệp phải thẩm định kỹ đối tác, không nên bán hàng cho đối tác là các nhà đầu cơ, tránh để họ dìm giá.

Thứ hai, không nên ký hợp đồng giao hàng quá xa khi chưa có hàng thực trong tay.

Thứ ba, các doanh nghiệp phải liên kết thông tin cho nhau về vấn đề giá cả, tính cách trừ lùi giá hợp lý.

Cuối cùng, đối với các doanh nghiệp đã trót lâm vào tình thế khó khăn, cần phải có biện pháp xử lý khôn khéo và kịp thời, mục tiêu phải cắt được lỗ.

Nguyễn Thịnh
Theo Nhân Dân

Thua là phải!

Một chuyên viên làm việc lâu năm tại văn phòng đại diện một nhà nhập khẩu nước ngoài, sau khi đọc bài “Giá cà phê: nông dân cươi, doanh nghiệp mếu” đã gặp người viết, cung cấp thêm nhiều thông tin số liệu liên quan đến ngành cà phê Việt Nam. Cuối cùng, anh buông một câu kết thúc, “thua là phải”.


Các nhà nhập khẩu nước ngoài “rành” cà phê Việt Nam và luôn ở thế thượng phong
khi đàm phán với các nhà xuất khẩu trong nước

Những tài liệu mà anh ta cung cấp, với người ngoài cuộc là những con số thống kê khô khan nhưng với dân trong ngành, đó là những bí mật mà hiếm doanh nghiệp nào của Việt Nam có được.

Toàn bộ việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2007 – 2008 (niên vụ cà phê bắt đầu vào tháng 10 năm trước và kết thúc vào cuối tháng 9 năm sau) và niên vụ 2008 – 2009 cho tới tháng 7 đều được thống kê chi tiết trong tài liệu này.

Vị trí đặt quảng cáoChi tiết tới từng lô hàng có sản lượng bao nhiêu tấn của từng công ty, ngày ký hợp đồng, ngày cà phê lên tàu, loại cà phê R1 hay R2, mức giá trừ lùi, nhà nhập khẩu, cảng đến của lô hàng; chẳng hạn trong tháng 12 năm ngoái, có 985 lô hàng cà phê được xếp lên tàu với tổng sản lượng 95.588 tấn.

“Tuy trong thống kê không có giá xuất, mà chỉ có giá trừ lùi nhưng với dân trong nghề cà phê, chỉ cần mức trừ lùi có thể tính được ra giá xuất dựa vào giá giao dịch của thị trường London với cà phê robusta và từ đó, tính ra lời hay lỗ dựa vào giá trong nước tại cùng thời điểm”, vị chuyên viên này giải thích.

Người viết càng bất ngờ hơn khi vị chuyên viên này còn cho hay rằng các nhà nhập khẩu nước ngoài không chỉ bỏ tiền ra mua thông tin từ nhiều nguồn, thuê chuyên gia phân tích như bảng số liệu xuất khẩu từng tháng của Việt Nam, mà họ còn thống kê diện tích cà phê của Việt Nam hiện có bao nhiêu và trong đó bao nhiêu đang trong kỳ thu hoạch với những chi tiết cụ thể, độ chính xác cao. Khi người viết tỏ vẻ không tin thì anh ta liền trưng ra một file excel dữ liệu diện tích cà phê của ba tỉnh Dak Lak, Gia Lai và Lâm Đồng để chứng minh.

Có lẽ các cơ quan ngành nông nghiệp nếu xem dữ liệu này không khỏi ngạc nhiên khi các nhà nhập khẩu cà phê nước ngoài thống kê diện tích cà phê trồng mới, diện tích cà phê đang trong kỳ thu hoạch tới từng huyện, từng xã. “Thậm chí sau khi thống kê diện tích, làm cơ sở dự báo sản lượng, họ không tin lắm và dùng cả ảnh vệ tinh, từ đó dùng quang phổ để phân biệt lá cà phê và lá cây rừng rồi dựa theo tỉ lệ để tính ra diện tích cà phê”, anh ta nói.

Và như để chứng minh lời nói của mình, anh ta còn bảo lâu nay các cơ quan chức năng của Việt Nam dự báo sản lượng cà phê từng niên vụ theo kiểu phỏng đoán chung chung, nên kết quả đều “trật chìa”. Trong khi đó, các nhà nhâp khẩu nước ngoài dự báo chính xác tới mức chỉ chênh lệch vài phần trăm; do vậy mà họ ít khi tin các dự báo của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Đợt rớt giá cà phê vào cuối tháng 6 vừa qua làm các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam chịu thiệt, anh ta cho rằng các nhà nhập khẩu (kể cả các quỹ đầu tư, đầu cơ cà phê thế giới) “làm mưa làm gió” với các nhà xuất khẩu Việt Nam là vì họ biết tường tận từng lô hàng của từng doanh nghiệp trong nước, giao tháng nào, giá bao nhiêu và lời lỗ bao nhiêu để ép giá.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Việt Nam, đầu tuần này cho rằng đợt giá thảm hại của cà phê Việt Nam vào cuối tháng 6 là do các quỹ đầu tư, đầu cơ (có khi các quỹ này cũng là người mua hàng của cà phê Việt Nam) lũng đoạn thị trường. Thế nhưng tại sao họ lũng đoạn được thị trường cà phê, nhất là Việt Nam? Trong khi đàm phán ký hợp đồng, anh ta kể, các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam luôn ở thế yếu khi người mua hàng nắm tường tận “chân tơ kẽ tóc” của cả ngành cà phê Việt Nam lẫn từng doanh nghiệp cụ thể.

Thua là phải!”, anh ta kết luận.

Hồng Văn thực hiện
Nguồn SGTimes

Giải pháp cho ngành cà phê

Các DN XK cà phê VN đang gặp nhiều khó khăn bởi cầu giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, những ngày gần đây, thị trường cà phê đã xảy ra diễn biến chưa từng có trong tiền lệ với bước giá lên xuống mỗi ngày chênh lệch quá cao khiến nhiều DN trở tay không kịp. Nguyên nhân chính đã được xác định. Vì vậy, các DN sớm phải ngồi lại với nhau tìm giải pháp phù hợp.


DN cà phê Việt  Nam đang đứng trước những khó khăn rất lớn

Ông Văn Thành Huy -Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty cổ phần đầu tư XNK Đăk Lăk cho biết: Kể từ cuối quý 3/2008 đến nay giá cà phê có xu hướng đi xuống, từ khoảng 1.800 USD/tấn xuống còn 1.500 USD/tấn. Tại Tây Nguyên, giá cà phê nhân xô cũng tuột dốc, từ 34.000 – 35.000 đồng/kg xuống còn 25.000 đồng, thậm chí có thời điểm xuống 22.000 đồng/kg. Chính vì vậy, không chỉ có các DN XK làm ăn thua lỗ mà ngay cả người trồng cà phê cũng gặp không ít khó khăn.

Lãnh đạo một Cty Xuất nhập khẩu cà phê ở Tây Nguyên ở cho biết: Giá xuống thấp cùng với sức tiêu thụ kém nên việc xuất khẩu của Cty bị ảnh hưởng khá lớn. Trong quý 1/2009, Cty chỉ xuất được 50.000 tấn, khoảng 80% chỉ tiêu. Còn Cty Xuất nhập khẩu 2-9 (Đăk Lăk), trong quý 1, dù sản lượng xuất khẩu tăng 20% so với năm ngoái (34.300 tấn cà phê nhân) nhưng kim ngạch chỉ đạt 53 triệu USD, giảm 20%.

Cùng với những khó khăn về thị trường, giá cả… thời  tiết xấu cũng là một nguyên nhân khiến việc kinh doanh cà  phê gặp khó. Sản lượng cà phê của VN ước tính giảm 1,3 triệu bao, xuống còn 18,4 triệu bao trong vụ 2009/2010 này do mưa lớn, cây ra hoa thất thường và giá nhân công tăng cao hơn so với năm trước.

Theo các chuyên gia, trước những biến động của thị trường cà phê, các DN xuất khẩu mặt hàng này phải hết sức thận trọng. Để giảm thiểu rủi ro trong việc ký hợp đồng xuất khẩu cà phê trong 6 tháng cuối năm, các DN khi bán cà phê giao sau cần nhận định sát về thị trường, nếu xu hướng giá tăng thì không nên vội vã ký hợp đồng ngay, nếu xu hướng giá giảm thì phải tìm cách “chốt” giá sớm và có sự phối hợp thông tin với nhau. Các DN cũng nên chú ý tính mức trừ lùi hợp lý với sàn London, tránh để bị ép giá và gây thiệt hại cho mình.

Theo ông Huy, đã từ lâu các DN VN có thói quen chào bán và xuất khẩu cà phê sơ chế theo tiêu chuẩn 13 – 5 – 1 ( thuỷ phần, hạt đen vỡ, tạp chất…) với giá thưòng thấp so với thị trường cùng loại. Ngoài ra, cũng giống như thị trường chứng khoán, các DN vẫn mua,  bán theo tính “bầy đàn”, mua bán theo số đông mà ít khi có tính phân tích, tính rủi ro khá cao. Nếu các DN không có những điều chỉnh kịp thời thì khó cạnh tranh với các nước khác.

Với tổng sản lượng xuất khẩu cà phê VN hàng năm từ 900.000 đến 1.000.000 tấn/năm, đạt kim ngạch 1,8 – 2 tỷ USD, nếu các DN cùng phấn đấu xuất khẩu cà phê sạch, chất lượng cao (tạp chất từ 0% đến tối đa là 0,5%, tính lỗi hạt và thuỷ phần không quá 12,5% để được cộng thêm từ 50 USD đến 100 USD/tấn thì chúng ta sẽ thu về lượng ngoại tệ tăng thêm từ 50 triệu USD đến 100 triệu USD. Con số này không những nói lên về giá trị mà còn thể hiện rõ chất lượng – thương hiệu cà phê VN trên thị trường thế giới.

Giá cà phê giảm mạnh là do tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường, hoàn toàn không tuân theo quy luật cung cầu. Các quỹ đầu cơ đã cố tình bóp méo thị trường để kiếm lợi. Suốt tháng trước, họ tung tin giá cà phê sẽ tăng đột biến, khiến các DN VN đua nhau đầu cơ tích trữ. Nhiều DN vay “nóng” tiền vốn trong ngắn hạn để mua cà phê, nay chịu áp lực buộc phải bán ra thu hồi vốn để trả nợ. Tháng 6/2009, các quỹ đầu cơ trên sàn London ngừng mua để đẩy giá xuống thấp, và lại tung tin rằng giá cà phê từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm mạnh, khiến DN VN đã trót tích trữ cà phê nay buộc phải bán ra. Rất nhiều DN VN đã lâm vào tình trạng như vậy và đang phải chịu lỗ 3-4 triệu đồng/tấn cà phê, nhiều DN mất 100 – 500 triệu đồng trong đợt này.

Hiệp hội Cà phê  – Ca cao VN (VICOFA) đang kêu gọi DN cà phê VN cùng ngồi lại trong một cuộc họp bất thường để tìm giải pháp đối phó.

Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch VICOFA cho rằng nhiều DN VN bị đưa “vào tròng” là do hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu liên kết. Thị trường cà phê đang rất bất thường, giá cà phê giảm mạnh tới mức chưa từng thấy. Giá xuất khẩu cà phê VN đã ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, ngày 26/6 là 1.195 USD/tấn FOB.

Nguyễn Thịnh
Theo DDDN

Inđônêxia đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu cà phê

Ông Achmad Manggabanrani, Vụ trưởng Vụ cây trồng thuộc Bộ Nông nghiệp Inđônêxia, cho biết năm 2009 Inđônêxia chỉ đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu cà phê, cho dù nước này có diện tích trồng cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Braxin.


Những ngọn đồi cà phê ở  Indonesia

Phát biểu tại cuộc hội thảo về cà phê tại thủ đô Giacácta, ông Achmad tỏ ra tiếc nuối khi nói rằng với diện tích trồng cà phê lên tới 1,3 triệu ha, nhưng năm 2009 Inđônêxia chỉ sản xuất được 689.000 tấn cà phê, thấp hơn cả sản lượng của Việt Nam, nước được coi là “lính mới” trên thị trường xuất khẩu cà phê thế giới.

Theo thống kê, trong số các đồn điền trồng cà phê ở Inđônêxia nông dân canh tác tới 96%, nhà nước chỉ kiểm soát khoảng 2% và phần còn lại thuộc về các công ty tư nhân. Điểm yếu của các đồn điền do nông dân quản lý là thường canh tác theo phương pháp truyền thống. Họ không tuân theo các hướng dẫn để tăng năng suất cà phê. Hậu quả là chất lượng hạt cà phê rất thấp và từ đó tác động tới xuất khẩu cà phê của Inđônêxia.

Năm 2008 Inđônêxia xuất khẩu cà phê của Inđônêxia đạt 991,485 triệu USD. Nhưng chủ yếu là hạt cà phê, nên giá trị gia tăng không nhiều. Còn cà phê đã qua chế biến chỉ chiếm 2% cà phê xuất khẩu.

Trong khi đó 6 triệu người trồng cà phê ở Inđônêxia đang đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là năng suất cà phê hàng năm của Inđônêxia vẫn còn khá thấp, chỉ đạt 700 kg/ha. Tiêu thụ cà phê trong nước rất thấp, chỉ là 500 gam/người/năm so với 3-4 kg/người/năm ở Braxin và Côlômbia. Hai là, giá cà phê thế giới đang có xu hướng giảm hơn trước. Ngoài ra, Inđônêxia còn phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu cà phê có chất lượng ngon hơn.

Tuy nhiên, cơ hội cho ngành cà phê Inđônêxia vươn lên không phải là ít. Đó là nước này có diện tích trồng cà phê rộng lớn cùng với nguồn nhân lực dồi dào.

Nguyễn  Thịnh
Theo TTXVN

Bản tin thị trường cà phê ngày 03/07

Giá cà phê tại thị trường London tăng phiên thứ hai liên tiếp, khi kết thúc phiên giao dịch ngày thứ năm (02/07) giá kỳ hạn tháng 9/09 tăng +11 (1334usd/tấn).

Các nhà  đầu tư đang lo ngại với các hợp đồng dài hạn của hầu hết các kho hàng đã được chứng thực của London.

Theo ước tính trữ lượng cà phê của Việt Nam đến thời điểm này vẫn còn trên 300,000 tấn. Và những ngày qua có một nghịch lý xảy ra đó là giá cà phê trong nước cao hơn giá cà phê trên thị trường thế giới.

Qua thông tin Y5CaFe nhận được thì hiện tại giá mua của các công ty phát ra tại Đaklak hôm nay lên tới 23,600đ, mặc dù một số doanh nghiệp đã nâng giá mua những vẫn khan hiếm hàng. Theo tính toán, với giá cà phê trên thị trường thế giới đang ở mức thấp như vậy để xuất khẩu có lãi thì các doanh nghiệp phải thu vào với giá dưới 21,600đ.


Diễn biến thị trường cà phê London trong phiên qua.

Tin tổng hợp thị trường cà phê kỳ hạn NewYork
Thị trường cà phê kỳ hạn tại NewYork giảm nhẹ trong phiên giao dịch hôm qua, kết thúc phiên giá tháng 9/09 giảm 1.05 cent đứng ở mức 118 cent/lb, thị trường chạm mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua, khối lượng giao dịch ít.

Theo các nhà phân tích thì thị trường cà phê kỳ hạn NewYork sẽ tiếp tục đối mặt với các mức thấp mới nhằm thu hút sức mua mới. Mức hỗ trợ $115.00 dường như là quá mỏng manh cho tháng 9, một số tin rằng mức hỗ trợ mới sẽ là $110.00, ngoại trừ thị trường có sự thay đổi mới hoặc nhận được bất cứ thông tin nào có lợi cho thị trường, nhưng thị trường sẽ có sự hiệu chỉnh tăng ở mức $120.00 sau khi chạm mức thấp $110.00.

Cây cà phê của châu Mỹ Latin đang trong thời kỳ trưởng thành và thu hoạch rất tốt cũng như sức bán từ những nhà sản xuất đang làm giảm đi các giao dịch bằng tiền mặt. Niên vụ 2009-10 Arabica của Brazil vẫn đang tiếp tục tiến triển tốt. Mức tiêu thụ có thể sẽ giảm trong những tháng hè.

Tính đến ngày thứ 5 các kho hàng chứng thực của ICE giảm 18.148 bao loại 60kg, còn 3.596 triệu bao. Các hợp đồng chưa thực hiện tăng thêm 486 lô đạt gần 111.888 lô tính đến hết ngày thứ 4.

Nguyễn Thịnh thực hiện

Nâng giá mua cà phê vẫn khan hiếm hàng

Ngày 2.7, giá cà phê thu mua trên thị trường Đắk Lắk tăng lên 23.500 đồng/kg. Nhiều nhà kinh doanh cho rằng, đây là điều nghịch lý trong khi giá cà phê trên thị trường thế giới giảm xuống mức 1.323 USD/tấn. Với giá thị trường thế giới như vậy, theo tính toán, để xuất khẩu có lãi, các doanh nghiệp phải mua cà phê vào với giá dưới 21.500 đồng/kg.

Tuy nhiên, do thiếu hụt hàng để giao theo hợp đồng, nhiều doanh nghiệp đã tự đẩy giá mua cà phê lên cao. Hiện thị trường cà phê trong nước xuất hiện tình trạng người nông dân và một số doanh nghiệp găm hàng chờ giá lên.

Nguyễn Thịnh
Theo Thanh Niên

Tương lai u ám của đồng USD

Khi nguồn cung USD tràn ngập thị trường và sức hấp dẫn của các loại hình đầu tư khác tăng lên, sức hấp dẫn của USD không còn nữa.

Từ đầu tháng 3/2009 đến nay, USD đã hạ giá 11% so với euro và 17% so với đồng bảng Anh, những nhà đầu tư đã từng tìm đến USD như một công cụ đầu tư an toàn trong thời kỳ tệ nhất của khủng hoảng kinh tế nay đang tìm đến đầu tư vào các loại tài sản khác.

Thị trường hiện nay lo ngại nhiều về việc ngân sách Mỹ thâm hụt mạnh và phía Trung Quốc liên tục kêu gọi thế giới cần có một loại tiền tệ dự trữ mới. Nhiều khả năng USD sẽ phải chịu rất nhiều áp lực.

Ông Simon Derrick, trưởng bộ phận nghiên cứu tiền tệ tại Bank of New York Mellon – một trong 19 ngân hàng lớn nhất của Mỹ, cho rằng USD sẽ tiếp tục hạ giá.

Đó là một dự đoán ngược lại với diễn biến tăng giá ngắn ngủi gần đây của đồng USD. Xét đến các yếu tố về kinh tế, USD tăng giá khoảng 25% so với euro trong khoảng thời gian 8 tháng kết thúc vào tháng 3/2009, USD trở nên hấp dẫn hơn so với các loại tiền tệ khác. Tuy nhiên ông Derrick cho rằng yếu tố đó đang thay đổi.

Sự lạc quan đối với nhiều loại hình tài sản khác đang tăng lên. Thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là thị trường chứng khoán các nước mới nổi đã tăng điểm mạnh trong những tháng gần đây. Chỉ số Shanghai Composite đã tăng 63% trong năm nay.

Yếu tố khác gây áp lực lên đồng USD: sự lo ngại về thâm hụt ngân sách của Mỹ. Mức thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể lên tới 1,85 nghìn tỷ USD trong năm nay, mức này tương đương 13% GDP – một mức cao chưa từng có tình từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. FED sẽ buộc phải in thêm tiền, nguồn cung USD vì thế sẽ tràn ngập thị trường.

Dù Ngân hàng Trung ương ngày 24/06 mới đây cho biết họ không có kế hoạch mở rộng mua trái phiếu thế chấp ra ngoài kế hoạch 1,2 nghìn tỷ USD đã công bố vào tháng 3/2009, tuy nhiên không phải ai cũng tin vào điều này.

Ông Derrick tuyên bố: “Người ta thường lo lắng rằng sự tăng điểm vừa qua của thị trường chứng khoán chỉ diễn ra trong ngắn hạn và thời kỳ còn lại của năm vẫn hết sức khó khăn, chương trình chi tiêu tài khoá thứ hai sẽ được áp dụng.”

USD đương đầu với nhiều thách thức trong dài hạn và các đối trọng lớn trên thị trường nắm rõ điều này. Tháng 3/2009, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã kêu gọi về việc nên có một đồng tiền dự trữ mới của thế giới, mới đây trong bản báo cáo về ổn định tài chính từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, quan điểm này lại được nhắc lại.

Lời kêu gọi này của Trung Quốc đã khiến USD tiếp tục hạ giá so với các loại tiền tệ lớn khác. Ảnh hưởng đã lớn hơn kêu gọi của ông Chu, 2/3 trong số dự trữ ngoại tệ là đồng USD, USD càng mất giá, giá trị dự trữ tiền do Trung Quốc sở hữu càng giảm.

Trên thực tế, tính đến cuối năm 2008, 64% dự trữ tiền tệ của thế giới là USD, khi USD vẫn chiếm vị thế chủ đạo như vậy, việc chuyển sang một loại tiền tệ mới sẽ chỉ tiêu tốn thời gian và hết sức phức tạp.

Khi Trung Quốc nắm giữ quá nhiều USD như vậy, việc bán ra dù chỉ một phần nhỏ sẽ khiến giá trị đồng tiền ngày một giảm.

Thế nhưng bất chấp tất cả các yếu tố trên, quan điểm kêu gọi một đồng tiền dự trữ mới của thế giới không thể làm thay đổi sự ưa thích đối với USD. Chuyên gia thuộc ngân hàng HSBC trong thư gửi cho khách hàng vào tháng 5/2009 có đoạn viết “việc kêu gọi thay thế USD là gợi ý hoàn toàn không hợp lý” và rằng “vị thế chủ đạo của USD trong vai trò đồng tiền dự trữ của thế giới không có nghĩa USD sẽ giữ được giá trị”. Giống như ông Derrick, ngân hàng HSBC cũng cho rằng USD sẽ tiếp tục trượt giá những tháng tới.

Ngọc Điệp – CafeF
Nguồn Time

Giá xăng, dầu rớt mạnh do thất nghiệp tăng, lương giảm

Giá dầu đêm 2/7 (giờ Việt Nam) bất ngờ giảm rất mạnh xuống mức thấp nhất một tháng qua, trong khi giá xăng cũng tụt giảm sau khi Mỹ công bố tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng – một dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ phục hồi chậm.


Giá xăng bán lẻ tại Mỹ giảm khá nhiều trong 10 phiên gần đây.

Giá dầu thô trên sàn New York trong phiên giao dịch 2/7 giảm 3,7% sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết số người mất việc trong tháng 6 là 467.000 người và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh lên 9,5% – mức cao nhất kể từ năm 1983.

Trong khi đó, số tuần làm việc trung bình của người lao động cũng giảm xuống chỉ còn 33 giờ – mức thấp nhất kể từ khi số liệu được thu thập năm 1964.

Giá dầu thô giao tháng 8 đóng cửa phiên giao dịch 2/7 trên sàn New York giảm 2,58 USD xuống 66,73 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ 3/6.

Tính tới 7h00 sáng 3/7 (giờ Việt Nam), giá dầu trên thị trường châu Á tiếp tục giảm thêm 31 cents (-0,46%) so với giá đóng cửa trên sàn New York (khoảng 5h sáng 3/7 giờ Việt Nam) xuống 66,42 USD/thùng.

Như vậy, giá dầu đã giảm khoảng 4% trong tuần.

Mặc dù giảm mạnh nhưng tính từ đầu năm tới nay dầu vẫn đang tăng khoảng 50%.

Giá xăng giao tháng 8 tại New York cũng giảm khá nhanh với 6,82 cents (-3,7%) xuống 1,7908 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít). Đây là mức giá thấp nhất kể từ 18/5.

Giá xăng bán lẻ trung bình tại các cây xăng tại Mỹ hiện đang đứng ở mức khoảng 2,629 USD/gallon, tương đương 12.360 đồng/lít (tính theo tỷ giá của Ngân hàng Vietcombank sáng 2/7 là 1 USD = 17.800 đồng).

Tính trong 10 ngày qua, giá xăng bán lẻ tại các cây xăng đã giảm 6,4%.

Từ ngày 3/7 tới 5/7, sàn New York sẽ đóng cửa nghỉ lễ quốc khánh. Các giao dịch sẽ hoạt động trở lại vào 6/7.

Nguyễn Thịnh
Theo VietNamnet